Cuộc diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sắp tới sẽ có những điểm đổi mới chưa từng có, đặc biệt là sự góp mặt của các khối diễu binh dưới nước với sự hiện diện của tàu ngầm và tàu nổi.

Thông tin này được Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tiết lộ trong buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Bộ Tổng Tham mưu (7/9/1945 - 7/9/2025).

Đại tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, mỗi cuộc diễu binh, diễu hành đều cần có sự đổi mới để thể hiện “sự đoàn kết, sức mạnh của dân tộc Việt Nam”. Khác với những cuộc diễu binh trước đây, sự kiện năm nay sẽ không chỉ có các khối đi bộ, khối xe tăng, khối trên trời mà còn có thêm các khối diễu binh dưới nước. Đây là lần đầu tiên các phương tiện của Hải quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, bao gồm cả tàu ngầm và tàu nổi, sẽ tham gia diễu binh, hứa hẹn mang đến một màn trình diễn ấn tượng và độc đáo.

dieu-binh-2-9.jpg
Đại tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí. Ảnh: Đình Huy/Thanh Niên Online

Cũng tại buổi gặp mặt, Đại tướng Nguyễn Tân Cương đã điểm lại chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, với 14 Tổng Tham mưu trưởng và 64 Phó Tổng Tham mưu. Ông khẳng định Bộ Tổng Tham mưu đã thực hiện tốt chức năng chỉ huy, tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, Bộ Tổng Tham mưu đã cùng các đơn vị trong Bộ Quốc phòng xây dựng nhiều nghị quyết, kết luận, chiến lược, đề án về quân sự quốc phòng, đồng thời phối hợp tổ chức thành công chuỗi các ngày lễ lớn vừa qua.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quân đội, góp phần lan tỏa phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

Về công tác tổ chức quân đội, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết từ năm 2022 đến tháng 6/2025, quân đội đã có nhiều điều chỉnh lớn nhằm xây dựng lực lượng tinh, gọn, mạnh. Điển hình là việc giải tán 4 quân đoàn, sáp nhập Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Kỹ thuật thành Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật. 

Ngoài ra, việc tổ chức biên chế cơ quan quân sự địa phương cũng được điều chỉnh theo đề án chính quyền địa phương 2 cấp, với việc sáp nhập 63 bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, thành phố thành 34 bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; giải thể 694 bộ chỉ huy quân sự cấp huyện và 44 bộ chỉ huy bộ đội biên phòng; đồng thời thành lập mới 145 ban chỉ huy phòng thủ khu vực và 30 ban chỉ huy bộ đội biên phòng.

PN (SHTT)