Xã hội

Đình chỉ công tác trạm trưởng bảo vệ rừng để xảy ra phá rừng

Hàng chục cây gỗ cổ thụ bị chặt hạ, rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá tan hoang, nhưng đơn vị chủ rừng chỉ thống kê chưa tới 20 m3 gỗ.

Hàng chục cây gỗ cổ thụ bị chặt hạ, rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá tan hoang, nhưng đơn vị chủ rừng chỉ thống kê chưa tới 20 m3 gỗ.

 

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa, cho biết sau khi đo đạc, thống kê, các đơn vị của công ty xác định có 19,3 m3 gỗ bị chặt hạ.

“Số gỗ bị chặt hạ đã được chuyển về Trạm bảo vệ rừng xã Khánh Phú”, ông Tân thông tin.

Ông Tân cho biết các lực lượng của công ty đang phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa, Chi cục kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, tổ chức rà soát những khoảnh khác của tiểu khu 205. Đồng thời mở rộng ra các tiểu khu khác.

Dinh chi cong tac tram truong bao ve rung de xay ra pha rung hinh anh 1
Gỗ bị chặt hạ nằm la liệt tại tiểu khu 205, rừng phòng hộ xã Khánh Phú. Ảnh: An Bình.

“Chúng tôi đã cho máy móc phá toàn bộ đường dẫn vào rừng. Việc vận chuyển gỗ ở thời điểm này gần như không thể vì đường đã không còn”, ông Tân nói.

Liên quan đến trách nhiệm của nhân viên bảo vệ và đơn vị quản lý rừng, ông Tân cho biết đã đình chỉ công tác đối với ông Phạm Văn Tâm, Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Khánh Phú để phục vụ công tác tác điều tra.

Theo ông Tân, ông Phan Văn Tâm có trách nhiệm lớn nhưng đã để xảy ra sự việc nên sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc. "Về phía công ty, ngày 20/3 sẽ báo cáo bằng văn bản lên UBND tỉnh Khánh Hòa sau đó xin ý kiến của tỉnh về các bước xử lý tiếp theo”, ông Tân cho biết.

Dinh chi cong tac tram truong bao ve rung de xay ra pha rung hinh anh 2

Nhiều cây gỗ to bị chặt hạ. Ảnh: An Bình.

Theo ông Nguyễn Khương, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, trong báo cáo lần trước, Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hòa báo cáo chỉ có 12,9 m3 gỗ bị chặt hạ. Nếu con số chỉ dừng lại ở đó thì rất khó khởi tố vụ việc. Tuy nhiên, trong báo cáo lần 2 này, phía chủ rừng cho biết có 19,3 m3 gỗ bị chặt hạ.

Như vậy, nếu căn cứ tại điểm a Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, mức xử phạt tối đa vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác gỗ không thuộc loại nguy cấp, quý hiếm trong rừng phòng hộ là 15 m3. Với khối lượng gỗ bị chặt hạ là 19,3 m3 thì nằm trong khung khởi tố để điều tra. 

Theo An Bình (Tri Thức Trực Tuyến)