Xã hội
09/02/2023 07:25Làm gì khi chứng kiến tai nạn giao thông?
Chiều 4-2, trên Quốc lộ 1 đoạn qua khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 1 người tử vong. Theo điều tra ban đầu, bà P.T.T (SN 1973, ngụ quận Bình Tân) chạy xe máy lưu thông trên Quốc lộ 1 hướng về cầu Tân Tạo thì va chạm với xe máy chạy cùng chiều do bà N.T.Y (SN 1978, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) điều khiển. Vụ tai nạn làm bà N.T.Y xây xát, bà P.T.T bị thương nặng đã tử vong tại bệnh viện.
Nghĩ không có gì (?!)
Làm việc với tổ điều tra tai nạn giao thông của Đội CSGT An Lạc và Công an phường Tân Tạo, một số nhân chứng cho biết sau va chạm, 2 xe máy cùng ngã ra đường. Lúc đó, 1 xe khách chạy từ phía sau lên đã tông vào 2 xe máy, tài xế xe khách lái xe rời đi.
Trích xuất camera khu vực xảy ra tai nạn, công an xác định được chiếc xe khách. Tài xế được cho có liên quan đến vụ tai nạn là ông Đ.T (SN 1987, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) thừa nhận đã lái xe rời khỏi hiện trường vì nghĩ là va chạm nhẹ, không có gì.
"Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra xe khách gây tai nạn trực tiếp hay gián tiếp. Dù thế nào thì hành động bỏ chạy khỏi hiện trường, không đưa người bị tai nạn đi cấp cứu cũng đáng bị lên án" - đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt nói.
Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) vừa bắt khẩn cấp tài xế Mai Văn Khởi (SN 1980, ngụ tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Trước đó tối 1-2, khi điều khiển xe tải chở hàng vào cao tốc TP HCM - Trung Lương, đoạn qua xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Khởi nghe tiếng động mạnh từ phía sau nên dừng xe để kiểm tra. Khởi thấy xe khách 16 chỗ tông vào đuôi xe mình, đầu xe khách biến dạng. Dù nghe trong xe có người la hét, kêu cứu, Khởi vẫn lái xe rời khỏi hiện trường, không báo cho cơ quan chức năng cũng không nhờ người đến cứu giúp. Vụ tai nạn này khiến 2 người tử vong.
Một vụ việc khác được ghi nhận vào cuối tháng 10-2022, trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tối 2-10-2022, khi dừng ôtô bên đường để đi vệ sinh, xe do Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, ngụ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cầm lái bị xe máy do anh P. điều khiển tông trúng. Phát hiện nạn nhân ngã ra đường, Hằng vẫn lên ôtô đi tiếp. Sau đó, xe tải do tài xế Tưởng Văn Danh (ngụ tỉnh Quảng Bình) điều khiển không làm chủ tốc độ đã cán qua người của anh P. khiến nạn nhân tử vong. Danh bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", Hằng bị khởi tố tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".

Đạo lý và trách nhiệm công dân
Nhận xét về các vụ việc trên, thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM, nói hành động bỏ trốn sau khi gây tai nạn hoặc có liên quan đến vụ tai nạn nhưng không ở lại hiện trường, không cấp cứu người bị tai nạn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu tình người, cần phải bị truy xét, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các nghiên cứu y khoa đã chứng minh khoảng thời gian 1 giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn là "giờ vàng" để cấp cứu, bảo vệ tính mạng nạn nhân hoặc giảm thiểu các di chứng, biến chứng sau tai nạn. Đặc biệt là đối với các trường hợp mà nạn nhân bị chấn thương sọ não, hệ thần kinh.
Tuy nhiên, thượng tá Đoàn Văn Quới lưu ý trong một số trường hợp như người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; vì lý do bị đe dọa đến tính mạng…, thì pháp luật cho phép họ được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng việc cứu giúp người bị nạn, người đang trong tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng là việc làm hợp đạo lý cũng là nghĩa vụ phải thực hiện của công dân. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp người chứng kiến người khác bị nạn nhưng không giúp đỡ do sợ mất thời gian, tiền bạc, bỏ lỡ công việc, bị cơ quan chức năng mời lên làm việc nhiều lần, bị liên lụy khi đưa người bị nạn đến bệnh viện... Thậm chí có những trường hợp bị người thân của người bị nạn đánh vì hiểu lầm… Vì vậy, nhiều người chứng kiến có tâm lý ái ngại, không sẵn sàng cứu giúp. Về pháp lý, tùy từng trường hợp cụ thể và tùy tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không được hành hung người gây tai nạn
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM khuyến cáo khi xảy ra tai nạn giao thông, người chứng kiến, người có liên quan cần bình tĩnh nhìn nhận vụ việc. Trước tiên, phải nhanh chóng cấp cứu hoặc đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ hiện trường tai nạn và thông báo đến cơ quan công an trong thời gian sớm nhất; không được phép tấn công, hành hung người gây tai nạn bởi sau tai nạn họ có thể bị khủng hoảng tâm lý, hoảng sợ và việc hành hung người gây tai nạn sẽ tác động xấu đến việc xử lý, giải quyết hậu quả sau tai nạn giao thông.
Theo Trần Thái (Nld.com.vn)
Tin cùng chuyên mục








-
Loạt dự án bãi xe ở Hà Nội quây tôn, "bất động" nhiều năm (18/07)
-
Tin buồn: Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga từ trần (18/07)
-
Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển cả 2 đại học top đầu Trung Quốc (18/07)
-
Chủ người Hàn mở tiệm photobooth lên tiếng khi hàng loạt cửa hàng đánh 1 sao oan uổng (18/07)
-
Tôi đọc lén tin nhắn của chồng và chết lặng khi thấy anh hỏi bạn: "Như thế có bình thường không?" (18/07)
-
Netizen sốc khi Soobin đạt 15 triệu followers trên Instagram, vượt cả Jang Won Young lẫn Sơn Tùng (18/07)
-
"Đừng đem đồ cũ của con mình tặng người khác nữa": Khi lòng tốt trở thành sự coi thường, phụ huynh EQ thấp chú ý! (18/07)
-
Đu dây xuống vực sâu 70 m giải cứu tài xế mắc kẹt trong cabin xe container (18/07)
-
Lộ danh tính người thứ ba ở sự cố kiss-cam “gây bão” của CEO Astronomer: Mối quan hệ khiến ai cũng giật mình (18/07)
-
5 dấu hiệu cho thấy bạn đang âm thầm đi trước 80% người cùng tuổi về cách dùng tiền (18/07)
Bài đọc nhiều




