Xã hội

Ngập nước, kẹt xe cản trở sự tăng trưởng của TP.HCM

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá TP.HCM thời gian qua tăng trưởng khá chậm so với tiềm năng sẵn có do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng ngập nước và kẹt xe.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá TP.HCM thời gian qua tăng trưởng khá chậm so với tiềm năng sẵn có do nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng ngập nước và kẹt xe.

Mở đầu hội thảo, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết TP.HCM là siêu đô thị, đầu tàu cả nước dẫn dắt cả nền kinh tế cả nước phát triển. Tuy nhiên TP phát triển, tăng trưởng vẫn còn chậm so với tiềm năng đang có, nhiều vướng mắc, khó khăn cản trở, "trói buộc" sự phát triển của TP. 

Ngap nuoc, ket xe can tro su tang truong cua TP.HCM hinh anh 1
Bí thư Đinh La Thăng chủ trì Hội thảo các vấn đề phát triển TP.HCM cơ chế, chính sách đột phá. Ảnh:Phước Tuần.  

Đồng quan điểm trên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh TP vẫn có thể phát triển mạnh hơn nếu phát huy hết các tiềm năng đang có. 

Ông Tự Anh cho rằng dù TP đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế cả nước nhưng động lực tăng trưởng khá chậm. Nhiều nút thắt, vướng mắc cản trở sự phát triển của TP như ngập nước, kẹt xe, các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính.

Chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ví von TP.HCM bằng cụm từ: "Trông ra thì không bằng ai, trông vào thì không ai bằng mình" khi so sánh TP.HCM với các thành phố trong khu vực và các đô thị trong nước.

TS Vũ Thành Tự Anh  cho rằng từ tầm nhìn đến hiện thực của TP còn khá xa do 4 nguyên nhân: nguồn lực, thể chế, chiến lược (cân nhắc các ngành trọng điểm), cuối cùng là cải cách toàn diện. 

Ngap nuoc, ket xe can tro su tang truong cua TP.HCM hinh anh 2
Ông Vũ Thành Tự Anh, Chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Ảnh: Phước Tuần. 

Chuyên gia này nhấn mạnh TP muốn giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế trong nước, phấn đấu thu hẹp khoảng cách so với khu vực thì cần các cơ chế có tính đột phá. TP chỉ có thể đột phá khi nền kinh tế phải có tương tác liên kết vùng, đặc biệt là 2 khu vực Đông Nam Bộ (công nghiệp) và Tây Nam Bộ (nông nghiệp)". 

Còn TS Vũ Tuấn Anh, Viện kinh tế Việt Nam, lưu ý TP phải xem xét tính bền vững trong phát triển kinh tế. Hiện tại, 77% doanh nghiệp trên địa bàn TP có trình độ công nghệ thấp và trung bình. Tốc độ đổi mới công nghệ chậm, vốn đầu tư mua sắm chỉ bổ sung được 25% lượng hao mòn tài sản.

"TP.HCM là siêu đô thị thì phải cải cách quản lý hành chính TP theo tốc độ của siêu đô thị. Muốn phát triển bền vững, TP cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải có cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt hơn nhiều. TP phải là trung tâm hội nhập quốc tế, phải mang tính đẳng cấp", ông Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Theo Phước Tuần (Tri Thức Trực Tuyến)