Xã hội

Nhiều đại biểu phản đối tách Luật Giao thông đường bộ

Các Đại biểu phản đối việc tách Luật Giao thông đường bộ làm hai luật và đề nghị UBTVQH, Chủ tọa kỳ họp xin ý kiến về việc này, nếu ĐBQH đồng ý thì thảo luận tiếp, không thì dừng…

Sáng 16-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật giao thông đường bộ sửa đổi.

Phát biểu tại nghị trường, bên cạnh có ý kiến đồng thuận, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã bày tỏ sự không đồng thuận với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời đề nghị QH xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này.

Nhiều đại biểu phản đối tách Luật Giao thông đường bộ
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sáng 11/6/2020.

Đồng tình với 10 ý kiến của đại biểu phát biểu trước đó về việc không đồng ý tách Luật GTĐB làm hai, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần xem lại tính hợp pháp, hợp lý của việc đưa dự thảo luật.

“Tôi đề nghị QH nên lấy ý kiến có nên tách luật hay không, sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo”- ĐB Sơn bày tỏ. Ông Sơn cho rằng phải làm rõ lí do tách luật và những hệ lụy sau khi tách luật, bởi trong giải trình rất sơ sài, không đáp ứng yêu cầu.

Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu nhiều lý do để không đồng tình việc tách luật.

Theo ĐB Thắng, giao thông đường bộ là thể thống nhất được liên kết chặt chẽ từ 4 thành tố là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc tham gia giao thông.

Cả 4 thành tố này đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB hiện nay và hơn 10 năm qua, lĩnh vực GTĐB do Bộ GTVT quản lý tổng thể vẫn xuyên suốt, ổn định cả về lĩnh vực đầu tư giao thông đường bộ và công tác đảm bảo ATGT.

“Đảm bảo ATGT là mục tiêu quan trọng của hạ tầng giao thông đường bộ, mức độ ATGT phụ thuộc vào 4 thành tố nêu trên chứ không riêng gì thành tố nào. Nếu trong trường hợp cả hai Bộ tham gia cả 4 thành tố trên sẽ không có ai chịu trách nhiệm chính”, đại biểu Thắng nói.

Theo ĐB Thắng, Luật Đường thủy, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không cũng quy định các thành tố tương tự như Luật GTĐB. Nếu tách Luật GTĐB thành hai luật sẽ phá vỡ quy luật, tạo tiền lệ nguy hiểm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

“Cơ sở xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ tách ra từ Luật GTĐB rất khiên cưỡng, không hợp lý. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không tách Luật GTĐB thành hai luật và không chuyển thẩm quyền quản lý GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Những vấn đề còn bất cập chỉ được sửa đổi trong một dự thảo Luật GTĐB”, đại biểu Thắng nói.

Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Xuân ( Đắk Lắk) lại cho rằng hai luật GTĐB sửa đổi và Luật bảo đảm trật tự an toàn GTĐB có mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau. Luật bảo đảm trật tự an toàn GTĐB có đối tượng điều chỉnh là nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về an toàn giao thông, bởi hiện nay là hơn 90% các lỗi vi phạm giao thông thuộc về ý thức, nhận thức; điều chỉnh hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn. Mục tiêu của luật này là bảo đảm sức khỏe, tính mạng của con người...

"Còn Luật GTĐB tôi nghĩ thuộc về cơ sở vật chất, kĩ thuật, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội..."- bà Xuân nói và cho rằng việc điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực là cần thiết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho rằng một số chính sách không được đánh giá tác động khi có sự thay đổi. Như đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra được sự bất cập để phải chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Trong khi đó, vấn đề này liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ của ngành giao thông.

Nhiều đại biểu phản đối tách Luật Giao thông đường bộ - 1
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung. Ảnh: Quochoi

Cũng tại Phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến về tiêu chuẩn của Quốc lộ, rà soát an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, giao thông thông thôn, cần có thêm biển chỉ đường giúp cho người lái xe đi đúng hướng...

Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đánh giá việc tách luật là vấn đề lớn và còn ý kiến khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xin ý kiến ĐBQH sau khi thảo luận Luật Bảo đảm trật tự ATGT chiều nay.

HL (Nguoiduatin.vn)