Xã hội
28/05/2017 15:16Ông Nguyễn Thiện Nhân: "Người dân TP HCM phải trở thành công dân thông minh"
Theo ông Nhân, muốn TP HCM trở thành đáng sống, đáng đến, cần một chính quyền thông minh với quy hoạch, điều hành thông minh. Kết quả đo lường tiêu chí này là sự hài lòng của người dân.
"Chính người dân TP HCM cũng phải trở thành công dân thông minh để sử dụng được chính quyền thông minh đó", ông nói và giải thích, người dân phải có khả năng tự học liên tục, biết cách sống trong 2 không gian thực và trên mạng. Mỗi người phải trở thành một "cảm biến xã hội" để phản ánh những bức xúc hoặc hiến kế cho thành phố phát triển.
![]() |
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ đại biểu trí thức TP HCM. Ảnh: M.T. |
Kèm với đó, thành phố phải phát triển được doanh nghiệp và dịch vụ thông minh. Những nhân tố này sẽ hợp sức để giải quyết các vấn đề bức thiết của thành phố hiện nay với mục tiêu 4 giảm (ngập nước, ô nhiễm môi trường, kẹt xe và tội phạm) và 4 tăng (thu nhập bình quân đầu người, quy mô và chất lượng sinh hoạt cộng đồng, chất lượng tài nguyên văn hóa của thành phố, sự hài lòng của người dân).
Một bài toán khác được Bí thư TP HCM đặt ra là phát huy tối đa nguồn lực của con người, mà muốn làm được điều này thì chính quyền phải mạnh và trong sạch. "Mỗi cán bộ công chức phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng. Đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ pháp luật", người đứng đầu Thành ủy TP HCM khẳng định.
Ngoài ra, chính quyền phải có giải pháp để đội ngũ trí thức phát huy được năng lực nghiên cứu và sáng tạo ở từng đơn vị, doanh nghiệp, rộng hơn là toàn thành phố và cho cả vùng.
Khẳng định TP HCM là nền kinh tế lớn nhất, đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước với con số cụ thể năm 2016, GDP của thành phố chiếm tỷ trọng 22,7%, thu ngân sách chiếm 27,8% cả nước, song đô thị này cũng đang đối mặt với hàng loạt thách thức.
TP HCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp nhưng cơ cấu sử dụng đất bất hợp lý khi đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 6,8% tạo ra 99% GDP; trong khi đất sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm hơn 56% nhưng chỉ đóng góp 1% GDP.
Ông Nhân cho rằng, bên cạnh việc giữ rừng, giữ hệ sinh thái, thành phố phải tính toán lại quỹ đất cho những mục đích sử dụng sao cho phù hợp và phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh.
Ông cũng bày tỏ lo lắng khi dân số thành phố liên tục tăng mạnh, trong khi diện tích không thay đổi, cường độ lao động, cường độ chất thải gấp 13-15 lần bình quân cả nước. Trước dự báo lượng chất thải sẽ đạt gần 3,6 triệu tấn vào năm 2020 và 4,5 triệu tấn trong năm 2025, ông đặt vấn đề cách thức xử lý chất thải. "Chúng ta tiếp tục xử lý bằng cách chôn lấp đến khi nào, hậu quả ra sao?", ông Nhân tỏ ra sốt ruột.
Về lĩnh vực xã hội, ông Nhân cho biết năng suất lao động trong sản xuất - kinh doanh của thành phố cao gấp gần 3 lần, trong dịch vụ quản lý nhà nước gấp 2 lần bình quân cả nước. Thu nhập của người dân TP HCM cao gấp 2,5 lần bình quân cả nước nhưng lương trả cho công chức vẫn như các nơi khác.
![]() |
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với chuyên gia quy hoạch đô thị. Ảnh: M.T. |
Tại buổi gặp gỡ, hàng chục đại biểu là doanh nhân, nhà khoa học và lãnh đạo các trường đại học đã trình bày giải pháp cho những vấn đề được ông Nhân đặt ra.
Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường - Cảng TP HCM gửi đến Bí thư Thành uỷ 5 kiến nghị giải quyết các vấn đề giao thông, đô thị. Trong đó, ông nhấn mạnh thành phố phải tăng cường năng lực vận tải, quy hoạch và đổi mới hệ thống giao thông công cộng, đề ra các chính sách quản lý giao thông hợp lý, hợp tình.
"Vấn đề xe cá nhân của thành phố cũng cần có lộ trình phù hợp và minh bạch, có giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể", ông Trường đề xuất.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, ông Trần Hữu Toàn (Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin) đánh giá phong trào này ở thành phố thời gian qua mới dừng ở mức tạo động lực và tạo suy nghĩ mà chưa đi vào thực chất.
Theo ông Toàn, khoảng cách giữa nhà đầu tư và những người khởi nghiệp còn khá xa, nhà khởi nghiệp cũng chưa dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. "Thành phố cần tháo gỡ các cơ chế để các trường đại học có thể đào tạo và phát triển khởi nghiệp ngay trong giảng đường cho sinh viên", ông Toàn góp ý.
Ông Lê Anh Tuấn (giám đốc một công ty sản xuất hệ thống tự động) lại tỏ ra lo lắng khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa không bằng các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Tuấn muốn mối liên kết giữa doanh nghiệp và các đại học, viện nghiên cứu phải chặt chẽ hơn để có nhiều giải pháp khoa học, phù hợp nâng cao năng lực trên thị trường.
Theo Mạnh Tùng (VnExpress.net)
Tin cùng chuyên mục








-
MU đạt thỏa thuận chiêu mộ Mbeumo giá 71 triệu bảng (18/07)
-
Sự thật về những cuộc gọi đầu 00 và mã vùng không phải 84: Công an cảnh báo không được làm thao tác này (18/07)
-
Có nên tắt điều hòa khi ra ngoài 30 phút? Tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết câu trả lời (18/07)
-
Chuyện tình của nam nghệ sĩ đình đám và vợ 2 trẻ đẹp, kém 37 tuổi, có 1 con riêng (18/07)
-
Bão Wipha có nhiều nét tương đồng Yagi, đổ bộ với cấp độ mạnh (18/07)
-
Clip rước dâu chỉ mất 30 giây ở Bắc Ninh: Bố mẹ sút 3kg khi biết tin con gái yêu anh hàng xóm (18/07)
-
Tin mới về đợt mưa to đến rất to, kéo dài nhiều ngày liên tiếp ở miền Bắc (18/07)
-
Một địa phương Việt Nam lên kế hoạch dời gần 40.000 căn nhà (18/07)
-
Triều Tiên cấm người nước ngoài tới khu nghỉ dưỡng 'quốc bảo' (18/07)
-
Hà Nội hạ điểm chuẩn thi lớp 10 năm 2025 (18/07)
Bài đọc nhiều




