Xã hội

Phiên chất vấn "chưa từng có" không như kỳ vọng

16 Bộ trưởng đăng đàn, hàng trăm câu hỏi với các vấn đề "nóng" được đại biểu yêu cầu giải trình trong 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn của kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 13.

16 Bộ trưởng đăng đàn, hàng trăm câu hỏi với các vấn đề "nóng" được đại biểu yêu cầu giải trình trong 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn của kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 13.

16 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn

Thay vì chỉ có Thủ tướng, Phó thủ tướng được ủy quyền và bốn Bộ trưởng trả lời đại biểu như trước đây, kỳ này Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ.

Kết thúc phiên chất vấn, có 16 Bộ trưởng, trưởng ngành, 3 Phó thủ tướng, Chánh án, Viện trưởng viện kiểm sát trả lời câu hỏi của đại biểu và phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình.

18 đại biểu chất vấn Thủ tướng với 27 câu hỏi trực tiếp, trong đó 3 câu được ủy quyền cho các Bộ trưởng. Ngoài ra, có 4 câu chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa và 3 câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch được gửi bằng văn bản.

Lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp trả lời 3 câu hỏi của đại biểu.
 

Lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn.

Các vấn đề nóng được truy đến cùng

Sau 2,5 ngày làm việc, đã có 54 lượt đại biểu phát biểu, thảo luận và chất vấn, trong đó có khoảng 140 câu hỏi dành cho các Bộ trưởng, trưởng ngành. Rất nhiều đại biểu đã hỏi đến lần thứ 2, thứ 3 vì chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng như đại biểu Lê Văn Lai hỏi về việc môn Lịch sử sẽ là môn độc lập hay tích hợp vào môn khác trong chương trình mới, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hỏi về "bôi trơn sổ đỏ"...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhiều lần nhắc nhở các Bộ trưởng không trả lời dài dòng, vòng vo, đi vào đúng trọng tâm câu hỏi. Ngay trong phiên chất vấn đầu tiên, ông đã ngắt lời Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhắc lại câu hỏi của đại biểu: "Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, có bỏ môn Lịch sử với tư cách môn học độc lập không?".

Ông cũng truy vấn "đáp án" với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình liên quan đến việc "phong hàm" ở các cơ quan trung ương. "Quá trình nghiên cứu rất nhiều việc, Bộ trưởng không cần nói ra. Bộ trưởng chỉ cần nói địa phương có làm được hay không?", Chủ tịch Quốc hội ngắt lời Bộ trưởng Nội vụ.

Câu hỏi "sát sườn" nhưng trả lời vòng vo

Phiên chất vấn kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 ghi nhận nhiều câu hỏi "sát sườn", đúng vào những vấn đề nóng, người dân đặc biệt quan tâm. Đó là việc "Nhận viện trợ ODA của Trung Quốc thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không", hay "Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã ra mà ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp, khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng" của đại biểu Trương Trọng Nghĩa; việc hoành tráng hóa công sở hàng nghìn tỷ đồng của đại biểu Đỗ Văn Đương.

Vấn đề bổ nhiệm cán bộ được đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đưa ra chất vấn: "Có những cán bộ mới đề bạt thời gian ngắn đã bị bắt nhưng chúng ta trả lời vẫn đúng quy trình bổ nhiệm".

Hiện tượng tham nhũng được đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu bật dưới hình ảnh so sánh "dân vật lộn từng đồng, cán bộ giàu lên nhanh chóng". Đại biểu Lê Như Tiến cũng miêu tả "quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ".

Nói về thực phẩm bẩn, nhiễm các chất độc hại, đại biểu Trần Ngọc Vinh chua chát nói: "Có lẽ chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa là ngắn như bây giờ".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khi chất vấn Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son về an toàn các cột phát sóng còn kèm theo ảnh minh họa cột ăngten đổ vào nhà dân, tạo được ấn tượng mạnh trước Quốc hội và cử tri.

Mặc dù các vấn đề đại biểu nêu đều nóng và quan trọng, tuy nhiên, câu trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành đều chưa làm các đại biểu thỏa mãn.

Về vấn đề "bôi trơn sổ đỏ", sau khi nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang rằng đã giao cho địa phương giải quyết, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tâm sự, ông cảm thấy rất buồn. "Tôi không biết cảm giác của các đại biểu khác như thế nào, nhưng tôi thì thực sự không thể nói đến từ thỏa mãn được bởi vì tôi cần câu trả lời giải quyết được vấn đề triệt để", đại biểu Cương nói.

Nhận trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về vụ án bồi thường oan sai đối với ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, đại biểu Bùi Văn Xuyền thẳng thắn nói: "Chánh án trả lời như thế chắc tôi không phải chất vấn tại Quốc hội đến lần thứ 2. Tôi không thấy vai trò của Chánh án tối cao ở chỗ nào cả, vì Chánh án trả lời tất cả là theo luật. Nếu theo luật thì tôi cũng hiểu, không phải là tôi không hiểu, Chánh án làm sao can thiệp vào việc xét xử của Hội đồng xét xử được, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng không can thiệp được, điều đó là đương nhiên. Chánh án trả lời như thế thì không cần phải trả lời".

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng thừa nhận, nội dung chất vấn cho thấy còn nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận như thực thi pháp luật, phòng chống tội phạm, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác điều tra, truy tố, xét xử án oan sai; kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân...Tuy nhiên, do đây là cách làm mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi những điểm còn bất cập như chuẩn bị báo cáo còn dài; phần trả lời chưa nêu rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và thiếu giải pháp đột phá để tạo chuyển biến rõ hơn trong thời gian tới.

"Đa số thành viên Chính phủ đã nắm rõ vấn đề và trả lời đúng yêu cầu của đại biểu Quốc hội, nhưng còn có Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời dài, không đi vào trọng tâm, chưa thỏa mãn đại biểu Quốc hội", Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
 

Đại biểu Trần Văn Xuyền: "Chánh án tòa án nhân dân tối cao trả lời như thế thì không cần phải trả lời".

Đại biểu chờ chất vấn, Quốc hội lại nghỉ sớm

Trước khi phiên chất vấn diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng thời gian 2,5 ngày là chưa đủ để mổ xẻ các vấn đề nóng mà cử tri quan tâm. Tuy nhiên, trong buổi sáng đầu tiên  (ngày 16/11), các báo cáo của Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Ban dân nguyện chiếm hơn nửa thời gian phiên làm việc. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn ngồi ghế điều hành đã đề nghị không đọc Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như kế hoạch để dành thời gian cho các đại biểu chất vấn.

Phó chủ tịch Quốc hội sau đó đã 2 lần rút ngắn thời gian dành cho các đại biểu từ 7 phút xuống 5 phút, rồi xuống 2 phút, với mục đích “để tất cả các đại biểu đăng ký đều được chất vấn”. Tuy nhiên, hết 2,5 ngày, cũng mới có 1/3 đại biểu đăng ký được thực hiện quyền chất vấn, 40 người khác chưa được nói trực tiếp.

Trong buổi chất vấn cuối cùng sáng 18/11, Quốc hội dành toàn bộ thời gian cho phần trả lời chất vấn của 6 Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng. Khi vẫn còn 41 đại biểu đăng ký phát biểu, 5 đại biểu Quốc hội đăng ký hỏi lần 2, một đại biểu Quốc hội đăng ký hỏi lần 3 nhưng "thời gian còn lại không nhiều, để dành cho Thủ tướng phát biểu kết thúc phiên chất vấn", nên Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn "mong các đại biểu Quốc hội hết sức thông cảm và gửi các câu hỏi chất vấn đến các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chính phủ có liên quan để trả lời bằng văn bản", rồi mời Thủ tướng lên trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, sau khi đọc bản báo cáo trả lời chất vấn của một số đại biểu, trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trương Trọng Nghĩa, Lê Nam về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, quan hệ Việt - Trung, Thủ tướng đã kết thúc phiên chất vấn mà không có phần hỏi đáp trực tiếp.

Sau khi Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội nghỉ sớm khoảng 1 tiếng.
 
>> Bộ trưởng Tư pháp nhận khuyết điểm vì thủ tục thế chấp rườm rà
>> Những nụ cười chua chát ở Quốc hội
>> Đại biểu Quốc hội: "Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói sự thật"
>> Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội trả lời chất vấn
 
Theo Hoàng Thùy (VnExpress,net)