Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Số F0 liên tục lập đỉnh, Hà Nội đã chuẩn bị bao nhiêu giường sẵn sàng đón bệnh nhân?

Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội thông tin, ngày 28/2, TP thêm 12.850 ca Covid-19, tổng số ca mắc trong đợt dịch 4 là 275.124 trường hợp. Theo CDC Hà Nội, trong số 12.850 ca Covid-19 mắc mới có 4.265 ca cộng đồng và 8.585 trường hợp đã cách ly.

Các bệnh nhân phân bố tại 495 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Đông Anh (994), Sóc Sơn (951), Hoàng Mai (788), Bắc Từ Liêm (721), Hoài Đức (702). Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 275.124 trường hợp.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến ngày 27/2, Hà Nội có 6.140 F0 điều trị tại bệnh viện. Trong đó, có 1.027 F0 nặng và nguy kịch. TP đã ghi nhận 1.094 F0 tử vong, tỷ lệ tử vong/số mắc là 0.4%.

Trước đó, thông tin trên VietNamnet, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, dự báo số bệnh nhân tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn được kiểm soát với nhiều biện pháp, trọng tâm là công tác tiêm chủng, quản lý, điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian tới, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng mắc, chuyển nặng sẽ tăng cao nên áp lực lên hệ thống y tế ngày càng nhiều, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

Số F0 liên tục lập đỉnh, Hà Nội đã chuẩn bị bao nhiêu giường sẵn sàng đón bệnh nhân?
Các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Hà Nội. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Chia sẻ trên Infonet, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cũng nhận định, thời gian tới, số ca mắc Covid-19 sẽ tiếp tục tăng cao, số ca mắc Covid ở Hà Nội khả năng đạt đỉnh khi các hoạt động mở cửa trở lại. Trong bối cảnh đó cần có sự điều tiết từ thành phố đến các địa phương cũng như sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ công tác điều trị cho F0 thể nặng (khoảng 5%), đặc biệt là các bệnh nhân nhi.

“Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều ca nhiễm, song việc quản lý, điều trị cho các ca bệnh mới thực sự quan trọng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương, đặc biệt quan tâm đến các F0 có nguy cơ cao như người già, có bệnh nền để hạn chế thấp nhất số người tử vong”, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Hiện Sở Y tế cũng đã gửi mẫu giải trình tự gene người nhiễm Covid-19 kết quả cho thấy có trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

“Chủng này lây lan rất nhanh so với biến chủng Delta. Không loại trừ khả năng có những người trước đó đã mắc chủng Delta rồi, nay lại mắc thêm biến chủng Omicron”, TS. Trần Thị Nhị Hà cho hay.

Giám đốc Sở Y tế cho rằng đánh giá mức độ nguy cơ ở giai đoạn này cần căn cứ tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, chuyển nặng, tử vong cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống y tế các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày.

Theo đó, hiện F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng 2 và 3 của thành phố. Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân nặng đã giảm so với trước, nhưng Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng dự báo số liệu ca bệnh nặng vẫn có thể tăng nhanh do mỗi ngày thành phố ghi nhận hơn 10.000 F0 mới và có thể lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo.

“Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Kể cả đối với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được.

Cụ thể, bên cạnh bệnh viện thành phố, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành. Tới nay, tổng số giường bệnh Hà Nội đã chuẩn bị là hơn 11.000 giường cho bệnh nhân Covid-19 trong đó, 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường từ các bệnh viện TƯ đóng trên địa bàn Thành phố và 8.000 giường tại các Bệnh viện của Hà Nội”, Giám đốc Sở Y tế thông tin.

Với 96% F0 điều trị ở nhà trong khi chậm tiếp cận với y tế cơ sở mà trên mạng gặp rất nhiều thông tin, Giám đốc Sở Y tế rất chia sẻ với thực trạng này đồng thời kiến nghị các địa phương hỗ trợ cùng lực lượng y tế.

Song song với đó, người đứng đầu ngành Y tế Thủ đô cũng khuyến cáo người dân cần giữ bình tình vì hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vắc xin, triệu chứng khi nhiễm bệnh thường nhẹ, sẽ hết sau khoảng 7-10 ngày điều trị.

“Mọi người không nên hoang mang lo sợ, nhưng tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi "rồi ai cũng là F0"; thực hiện nghiêm túc 5K, tránh tụ tập, hội họp, giao lưu không cần thiết là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”, TS. Trần Thị Nhị Hà cho hay.

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Đồng thời người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

Hà Nội phân bổ khẩn hơn 400.000 viên Molnupiravir

Ngày 28/2, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn về việc phân bổ thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 gửi 22 trung tâm y tế của các quận, huyện trên địa bàn thành phố cùng 5 bệnh viện gồm BV Tâm thần Hà Nội, BV Thanh Nhàn, BV Phổi Hà Nội, BV Đa khoa Đống Đa và BV Đa khoa Hà Đông.

Cụ thể, sở đề nghị BV Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200 mg và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện ghi trên nhãn; cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của sở.

Giám đốc các đơn vị được yêu cầu khẩn trương tiếp nhận thuốc, cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà, tránh để bệnh nhân diễn biến nặng, phải chuyển tầng, làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế; cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.

Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị phải bổ sung liều tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân là trường hợp có yếu tố nguy cơ diễn biến nặng để giảm tỷ lệ biến cố bất lợi cũng như khả năng đột biến kháng thuốc ở virus.

Về số lượng thuốc, 6 trung tâm y tế các quận, huyện gồm Cầu Giấy, Đan Phượng, Mỹ Đức, Hoài Đức, Ba Vì, Tây Hồ và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội được phân bổ mỗi nơi 10.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa được nhận 4.000 viên; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nhận 3.000 viên; Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Phổi Hà Nội mỗi nơi nhận 2.000 viên; 16 trung tâm y tế của các quận, huyện còn lại mỗi nơi nhận 20.000 viên.

NT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/so-f0-lien-tuc-lap-dinh-ha-noi-da-chuan-bi-bao-nhieu-giuong-san-sang-don-benh-nhan-tintuc811983