Xã hội

Sơn La đề xuất được truy xuất nguồn gốc cây đào

UBND tỉnh Sơn La vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình trồng, khai thác và đề nghị thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào rừng trên địa bàn tỉnh.

Chiều 13/1, UBND tỉnh Sơn La có văn bản số 14/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ. Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp "người dân không tự ý chặt, phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết".

Qua rà soát cho thấy diện tích cây đào trồng trên địa bàn là khoảng 5.000 ha, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà. Cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết nguyên đán. Các hộ trồng đào mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi.

Sơn La đề xuất được truy xuất nguồn gốc cây đào
Tỉnh Sơn La đề nghị cho phép truy xuất nguồn gốc cho cây đào

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn tỉnh khai thác, bán, vận chuyển cây đào dịp tết Nguyên đán năm 2021, UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ đạo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.

Hình thức thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào theo các quy định tại Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trao đổi với PV, ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, huyện vừa kiến nghị UBND tỉnh Sơn La đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho phép người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, làm tem nhãn cho đào trồng của Vân Hồ và tổ chức Lễ hội hoa đào 2021.

Sơn La đề xuất được truy xuất nguồn gốc cây đào - 1
Mẫu tem huyện Vân Hồ đề xuất dán cho hoa đào trồng xuất xứ từ địa phương.

Theo ông Hải, hiện nay huyện có 500ha trồng cây đào bán dịp Tết: Trong đó tại xã Lóng Luông có 300ha, xã Vân Hồ trồng 200ha, tất cả đều trồng tập trung trên nương, đồi của người dân sở tại.

Cây đào mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây, phù hợp với địa hình đất dốc, tập quán canh tác của người dân bản địa. Qua khảo sát cho thấy, các xã Lóng Luông, Vân Hồ không có đào rừng.

Được biết, UBND huyện Vân Hồ đã thiết kế 2 mẫu tem, kích thước dài 15cm và 20cm, số lượng 11.000 tem. Nguồn kinh phí để thực hiện in tem này được xã hội hóa.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)