Xã hội

Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ" HN: Ai chỉ đạo hối lộ thanh tra?

"Muốn làm lò gạch ở đây thì phải được chính quyền xã, huyện “bật đèn xanh” mới được. Một năm, cứ một cặp lò phải nộp từ 70-80 triệu đồng tiền "phế”.

"Muốn làm lò gạch ở đây thì phải được chính quyền xã, huyện “bật đèn xanh” mới được. Một năm, cứ một cặp lò phải nộp từ 70-80 triệu đồng tiền "phế”.

Không biết họ “bắt tay” với nhau thế nào mà sau đận ấy, các chủ lò sống khỏe hơn xưa. Những lò gạch “lậu” vẫn ngày đêm kìn kìn nổi lửa. Dân làm gạch “lậu” xã Bắc Sơn kể cho nhau nghe sự liều lĩnh của ông Thịnh. Bởi ông ta đã ngang nhiên rút lõi 100 triệu, trong khoản tiền 500 triệu mà những chủ lò gom góp để “nộp phế” cho thanh tra xây dựng (TTXD), sau đợt kiểm tra nói trên.

Cái kim trong bọc

Quá trình nhập vai nhà đầu tư, nhằm tìm ra nguyên nhân về sự tồn tại dai dẳng, bất chấp pháp luật của hơn 60 lò gạch thủ công không phép ở xã Bắc Sơn, phóng viên đã được những người trực tiếp tham gia thu “phế” dốc bầu tâm sự. Ông Nguyễn Văn Nhất ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn là người có “máu mặt” trong thôn, nên được cử ra cầm sổ sách, ghi lại những lò nào đã nộp “phế”, bức xúc nói: “Chú được anh em chính quyền địa phương giao công việc đôn đốc bà con làm gạch thực hiện những chỉ đạo của xã. Mỗi đợt có thanh tra, kiểm tra hay có nhà báo về viết bài, chú là người bị chỉ đạo đứng ra thu tiền để lo lót, tránh để sự việc bung bét”.
 

Ông Nhất


Chúng tôi hỏi có chuyện ông tên Thịnh đã rút lõi 100 triệu tiền lo lót cho TTXD làm dân làm gạch bức xúc phải không, ông Nhất nói: “Sau vụ đó, nó không còn vị gì nữa, lò cũng không đốt được vì tội dám “láo” với chính quyền, lừa cả lãnh đạo xã. Chẳng là vừa rồi chúng tôi tổ chức họp mặt các chủ lò trong thôn, kêu gọi đóng tiền xử lý khủng hoảng sau khi bị lực lượng chuyên ngành của TTXD thành phố “sờ gáy”. Mặc dù họ chỉ ra quyết định kiểm tra bốn cặp lò, xã thông báo trước với bốn cặp lò bị kiểm tra đương nhiên là chúng tôi phải chuẩn bị… ứng phó.

Nói thật là toàn sai phép hết, họ sờ đến nhà nào thì nhà ấy chết. Như đợt ấy, lò nhà ông Thịnh, ông Hà và hai người khác, chưa có giấy tờ gì thì bị TTXD xử phạt mỗi cái hơn 20 triệu tiền vi phạm. Tiền này là có hóa đơn, biên bản xử lý hẳn hoi. Sau cuộc kiểm tra đó, chúng tôi được chỉ đạo thu tiền để lo lót cho TTXD thành phố, tránh bị kiểm tra tiếp. Sai thì lò nào cũng sai, mà để phải nộp phạt có hóa đơn thì nó “đắt” hơn nộp “chui”. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn mà lị. Tôi gọi điện cho các chủ lò, mỗi cặp phải nộp 10 triệu, tính ra cứ 5 triệu/lò. Tôi có sổ sách đàng hoàng, ghi lại hết, có chữ ký của mọi người hẳn hoi”.

Phóng viên hỏi: “Những đợt thu tiền như vậy, có lò nào không chấp hành không?”, ông Nhất đáp: “Có chứ. Đầy nhà “cùn” lắm. Những trường hợp như thế, chúng tôi buộc phải báo cáo lên chính quyền địa phương để họ có biện pháp nhắc nhở. Tôi cũng nói với chúng nó đã làm gạch bao nhiêu năm rồi thì phải có tư cách đàng hoàng… Vài nhà không nộp là thiếu tinh thần xây dựng, chúng tôi báo xã, xã báo huyện, tổ chức kiểm tra, xử phạt số tiền cao gấp mấy lần số tiền mà chúng tôi thu. Phải thế cho chúng nó nhớ”.

Dừng một lát, ông Nhất bức xúc kể tiếp: “Xã người ta đã bật đèn xanh cho mình làm, anh em bảo nhau mà làm. Nhưng đến lúc có công có việc, cần tiền quan hệ thì phải bảo ban nhau nộp vào mà lo. Tôi ở đây có lúc cũng huy động hàng tỷ đồng, có ghi vào sổ sách đàng hoàng chứ. Cũng có lúc chủ lò mang xuống nhà tôi nộp, hoặc tôi chỉ đạo các xóm thu rồi tập trung về một mối”.

Rút lõi tiền "hối lộ"

Phóng viên hỏi về việc cầm 500 triệu đồng đi “hối lộ” lực lượng TTXD, sau đợt kiểm tra năm 2015, ông Nhất hào hứng kể: “Tôi không nhớ ngày tháng, nhưng hôm đó vào một buổi chiều mưa gió sụt sùi, đầu giờ chiều chúng tôi xuất phát từ Sóc Sơn để đi xuống số 5 Lê Đại Hành. Tất cả có tôi, anh Hòa, Thịnh… tổng cộng sáu anh em. Trong số đó, có năm người đại diện ba thôn, nơi có nhiều lò nhất xã Bắc Sơn, còn Thịnh chở chúng tôi đi bằng xe của nó”.

Số tiền cầm đi hôm đó chẵn 500 triệu đồng. Xuống đến nơi, Thịnh nhận là có mối quan hệ với ông Minh TTXD phụ trách địa bàn, nên Thịnh nhận cầm tiền vào đưa. Ông Nhất kể: “Chúng tôi cuốn gói tiền gọn lại rồi đưa cho Thịnh mang vào. Tôi nhớ hôm ấy có ông TTXD ra đón trước cổng, chúng tôi trình bày là chỉ thu được 500 triệu thôi, mong các anh thông cảm.
 
Theo thỏa thuận là một tỷ, nhưng chúng tôi xin họ, nói là trên này anh em đang khó khăn lắm, vừa xây dựng ra chả có gì cả, gạch ngói thì khó bán, mưa gió suốt, có làm được mấy đâu, vất vả lắm, nên cho chúng tôi đóng một nửa thôi. Họ đồng ý. Lúc đó vì đông người đi cùng quá, nên chỉ cho một mình Thịnh cầm tiền vào đưa. Chỗ Thịnh đưa tiền chỉ cách chúng tôi một đoạn bằng năm bước chân. Đưa tiền xong xuôi, khoảng 15g30, chúng tôi quay về. Tôi gọi cho lãnh đạo, báo cáo đã xong nhiệm vụ rồi, Thịnh nộp 500 triệu cho TTXD rồi”.
 
Ông Nhất tiết lộ: “Không ngờ, đi được một lúc thì tôi nhận được điện thoại của các anh em. Họ nói sao chỉ có 400 triệu chứ không phải là 500 triệu như đã thống nhất ban đầu? Bấy giờ tôi mới hiểu là lúc trên xe, mấy anh em chúng tôi có bàn là chỉ đưa 400 triệu thôi, nhưng Thịnh cứ bảo đưa thêm 100 triệu nữa mới được… Cuối cùng vẫn đưa đủ 500 triệu thì Thịnh lại rút lõi 100 triệu. Tôi có bảo “tiền của anh em đấy, sao mày lại lấy?”, Thịnh bảo: “Thấy người ta đang có khách nên em để trong ngăn kéo”. Tôi bảo: “Nếu thật mày để trong ngăn kéo thì tiền vẫn còn ở đấy, bây giờ quay lại tìm xem”. Nhưng Thịnh cầm lái, chúng tôi đang ngồi trên xe của nó nên nó không quay lại. Lùng nhùng một lúc, điện thoại ầm ĩ các kiểu, cuối cùng có một ông anh nó làm lãnh đạo xã đứng ra nhận trách nhiệm thì chúng tôi mới về. Thịnh hết vị, mất uy tín với anh em từ đó”.
 
Ông Nhất cho biết thêm: “Muốn làm lò gạch ở đây thì phải được chính quyền xã, huyện “bật đèn xanh” mới làm được. Một năm, cứ một cặp lò phải nộp từ 70-80 triệu đồ ng tiền “phế”. Số tiền đó chưa bằng 10% so với tiền lãi”.
 
Để nắm thông tin nhiều chiều về vụ rút lõi 100 triệu tiền “hối lộ” lực lượng TTXD, chúng tôi gặp ông Hòa, người cùng ông Nhất, ông Thịnh trên chuyến đi kể trên. Ông Hòa đã xác nhận chuyện ông Nhất kể về hành vi rút lõi tiền “hối lộ” của Thịnh. Ông Hòa là anh họ của Thịnh, là người có kinh tế vững nhất nhì trong thôn, sở hữu hàng loạt cặp lò úp vung công nghệ Bách Khoa, làm ăn phát đạt, nên với ông, việc làm của Thịnh là không thể chấp nhận được.
 
Còn Thịnh lại tỏ ra trắng trợn. Khi chúng tôi hỏi: ”Sao anh lại rút lõi 100 triệu đồ ng tiền “hối lộ” TTXD?”, Thịnh đáp: “Vớ vẩn, đấy là tiền của anh chứ. Bọn em cứ nói linh tinh. Mối quan hệ đó là của anh, thằng Minh là bạn anh, anh đứng ra giới thiệu cho chúng nó thì mới quen thằng Minh mà chạy được chứ. Anh đứng giữa anh phải có phần chứ. Bọn ở xã này biết cái gì? Anh làm “hợp đồng” với bọn thanh tra trước rồi. Vụ này 400, anh thu 500, 100 anh cất riêng, đấy là chi phí riêng của anh. Những ông đi cùng anh hôm đó lại muốn chia cái phần 100 triệu của anh. Chúng nó thì liên quan gì, chúng nó đi thu của dân giúp anh thì anh đã trả công rồi. Còn 100 là phần của riêng anh chứ”.
 
Chúng tôi hỏi tiếp: “Có phải vì anh ăn chặn 100 triệu đồ ng mà xã không cho anh đốt gạch nữa”?, ông Thịnh đáp: “Có bố chúng nó cũng chả dám làm gì anh. Anh chả động gì các ông thì thôi, các ông cũng sai bỏ mẹ. Ý chúng nó cũng muốn chia phần của anh nhưng không dám nói, nhưng chia làm sao được. Chúng nó ghen tị với anh nên mới nói thế thôi”.
 
Tạm đình chỉ công tác ông Đinh Hoàng Minh để làm rõ sự việc
 
Ngay sau khi báo Phụ Nữ khởi đăng bài 1 trong loạt bài Thâm nhập lò gạch “thổ phỉ” tại Hà Nội ngày 14/3, chiều cùng ngày Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Đinh Hoàng Minh - cán bộ thuộc bộ phận thanh tra chuyên ngành số 2 Thanh tra sở này. Ông Minh được cho là liên quan tới việc mà bài báo phản ánh. Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng cho biết đã tiến hành họp và giao các phòng chức năng rà soát, phối hợp với cơ quan báo chí xác minh, làm rõ những thông tin báo chí nêu, đồng thời yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình.
 
Thanh tra Sở tiếp tục giao Đội thanh tra chuyên ngành số 2 phối hợp với Phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Xây dựng) thực hiện kế hoạch kiểm tra hoạt động các lò gạch trên địa bàn thành phố. Trước đó, Phó giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cũng đã có văn bản yêu cầu Thanh tra Sở và các phòng, ban chuyên môn khẩn trương báo cáo giải trình, tổ chức kiểm tra, làm rõ vụ việc và kiên quyết xử lý cán bộ nếu có vi phạm. Đồng thời yêu cầu các phòng ban của Sở phối hợp với UBND H.Sóc Sơn kiểm tra việc sản xuất gạch, ngói nung, không nung, lò vòng, lò cải tiến... xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định.
 
>> Thâm nhập lò gạch "thổ phỉ": Thanh tra xây dựng đòi 250 triệu đồng "bảo kê"
 
Theo Nhóm PV Thời sự - xã hội (Phụ Nữ TPHCM)