Xã hội

"Thủ tướng đã làm hết sức mình"

Báo cáo nhiệm kỳ trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao".

Báo cáo nhiệm kỳ trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao".

Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Báo cáo khẳng định, "trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng".

Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình ủng hộ của đồng bào ta trong và ngoài nước.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo nhiệm kỳ 2011-2015 trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn


Về quản lý kinh tế xã hội, báo cáo cho hay, Chính phủ, Thủ tướng đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.

Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã  không thành lập mới và đã giảm 1 tổng cục so với đầu nhiệm kỳ. Trong hoạt động, Chính phủ, Thủ tướng luôn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, kết hợp trách nhiệm của tập thể với đề cao trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của từng thành viên Chính phủ.

Tăng cường nền quốc phòng toàn dân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung thực hiện chức năng nhiệm vụ trong việc củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Chú trọng đầu tư xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa nhanh một số quân, binh chủng, lực lượng và phát triển công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp, nhạy cảm; giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về dự bị động viên.

Chú trọng xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn các hoạt động dầu khí, bảo vệ ngư dân và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tập trung đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chăm lo nâng cao đời sống của người dân trên các đảo. Đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.

Chính phủ đã trả lời hơn 1.000 câu hỏi chất vấn

Chính phủ, Thủ tướng chấp hành nghiêm sự giám sát của Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Đã trình 236 báo cáo, tờ trình về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 1.000 câu hỏi chất vấn trực tiếp và trên 1.500 phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Thủ tướng thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng.

Về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng đã trình và được Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức với 22 bộ, cơ quan ngang bộ; không thành lập mới và đã giảm 1 tổng cục so với đầu nhiệm kỳ; tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên trong nhiệm kỳ giảm được 4.131 biên chế, đơn giản hóa 4.471 thủ tục hành chính.

Chính sách nhiều mặt còn lúng túng

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội; về xây dựng và thực thi pháp luật; về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước; về lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng..

Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nêu rõ nguyên nhân chủ quan chủ yếu là: Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội có mặt chưa phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế, nhất là năng lực xây dựng và thực thi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách.
 

Bộ máy Chính phủ với 27 thành viên gồm Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng, 18 Bộ trưởng, và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ ra mắt vào năm 2011, bắt đầu một nhiệm kỳ điều hành mới.


Lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân là mục tiêu cao nhất

Báo cáo nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng.

Trong đó, Chính phủ nêu vấn đề phải sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, phải bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế phải tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.

Thứ năm, phải thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phối hợp chặt chẽ các tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
>> Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền triệu tập Chính phủ
>> Quốc hội nhận trách nhiệm với yếu kém của đất nước
>> Chủ tịch nước, Thủ tướng báo cáo công tác nhiệm kỳ
>> Đại biểu Quốc hội làbí thư, chủ tịch ít dám phát biểu, vì sao?
>> Khai mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khoá 13
>> Quốc hội bầu tân Thủ tướng ngày 7/4
 
Theo Công Khanh (zing.vn)