Xã hội

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam

Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn tình trạng hàng hoá sản xuất ngoài nước lấy nhãn mác trong nước.

18h30

Thí điểm cơ chế đặc biệt cho TP HCM

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp lần này, Chính phủ đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP HCM.

Theo ông, đây là vấn đề được dư luận quan tâm, việc ban hành Nghị quyết là "rất cần thiết" vì TPHCM có vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp ngân sách chung của cả nước từ 25-26%.

"Cơ chế thí điểm cho thành phố gồm 4 vấn đề, liên quan đến quản lý quy hoạch đô thị, đất đai; cơ chế đầu tư, tài chính, việc ủy quyền, và về thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức thành phố. Đây là những nội dung rất lớn", ông Dũng nói.

Về việc vì sao đây là "cơ chế, chính sách thí điểm", ông Dũng lý giải, các quy định pháp luật liên quan đã có quy định, nhưng trong thực tiễn có thể chưa phù hợp, vì vậy Chính phủ thống nhất cần cơ chế thí điểm để đột phá; ngoài ra, nhiều vấn đề trong thực tiễn rất cần nhưng chưa có quy định điều chỉnh thì đưa ra để thí điểm.

Ông Dũng nhấn mạnh, việc thí điểm được thực hiện theo phương châm tạo cho thành phố tính chủ động trong điều hành, giải quyết công việc hàng ngày trên địa bàn, thay vì phải báo cáo các bộ, báo cáo lên Thủ tướng. 

"Cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh hơn sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, linh hoạt", ông nói.

Chính phủ sẽ trình dự thảo Nghị quyết này tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

18h28

"Trễ hẹn" bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tập đoàn Cao su 

Về cổ phần hoá Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, dù tiến hành cổ phần hoá Tập đoàn này, nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối.

"Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đây là Tập đoàn có số vốn lớn, nếu bán lần một không hết thì phải bán lần 2, 3. Mong muốn của Chính phủ là chỉ bán một lần. Dự kiến IPO trong năm 2017, nhưng có thể tới quý I/2018 mới tiến hành được, cũng không thể kéo dài hơn vì luật không cho phép", ông Tuấn nói.

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam
Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. Ảnh: Võ Hải

Ngoài ra, theo ông Tuấn, Tập đoàn này có hơn 130.000 lao động nên việc giải quyết chính sách phải được xem xét cẩn trọng, với người lao động nhận khoán được hưởng quyền ưu đãi khi cổ phần hoá thì cần "bàn kỹ lưỡng, dân chủ".

Hiện giá trị doanh nghiệp của Tập đoàn đã được phê duyệt và Bộ đã trình phương án cổ phần hoá lên Chính phủ. 

18h05

"Thanh tra Chính phủ ghi nhận Yên Bái đã khẩn trương xử lý sau kết luận thanh tra"

Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi liên quan đến việc thanh tra tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái, và xử lý của UBND tỉnh này sau kết luận thanh tra.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, cơ quan thanh tra "ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình". 

Về tiến độ xử lý, ông Lam nói, UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11. Trên cơ sở báo cáo của tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam - 1
Khu đất ở và biệt thư, nhà sàn... của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Lam, không chỉ riêng vụ việc Yên Bái, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có quy định điều chỉnh liên quan đến nguồn gốc tài sản của công dân, trong đó có cán bộ, công chức sẽ là một trong những vấn đề được trình Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.

17h50

"Dư luận bức xúc việc hàng Việt gắn mác ngoại"

Người phát ngôn Chính phủ cho biết, tại cuộc họp Thủ tướng cũng lưu ý, cuối năm các Bộ, ngành phải đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; đấu tranh ngăn chặn tình trạng hàng hoá sản xuất ngoài nước lấy nhãn mác trong nước.

"Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt, gây thiệt hại lớn tới sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng", ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo ông, dư luận vừa qua bức xúc việc hàng Việt gắn mác ngoại bán trên thị trường.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học & công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm. Các Bộ phải báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 15/12/2017.

Khủng hoảng của Khaisilk bắt đầu cách đây một tuần khi trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”. Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, Công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng. 

Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'Made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.

17h46

8 điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội 

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam - 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin với báo giới nội dung phiên họp Chính phủ tháng 10/2017. Ảnh: Võ Hải

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, qua 10 tháng, Chính phủ đã rút ra 8 điểm nhấn nổi bật của tình hình kinh tế xã hội 2017.

Đầu tiên là, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 ước tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 2,98% so với cùng kỳ 2016. 

Lạm phát cơ bản tháng 10/2017 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,32% so với cùng kỳ; bình quân 10 tháng tăng 1,44% cùng kỳ. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng.

Thứ hai, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 8,7%. Trong đó khai khoáng tháng 10 quay trở lại mức tăng dương 2,1%, nhưng 10 tháng vẫn tăng âm 7,4%; chế biến chế tạo tăng 13,6%; sản xuất phân phối điện tăng 9,3%... 

Thứ ba, vốn đầu tư FDI tiếp tục đạt kỷ lục, vốn đăng ký mới đạt 28,2 tỷ USD, tương đương tăng 34,7% so với cùng kỳ; giải ngân 14,2 tỷ USD.

Thứ tư, tín dụng tăng 12,6% so với tháng 12/2016; tăng 11,81% so với cùng kỳ.

Thứ năm, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu 172,5 tỷ USD, tăng 22%. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp xuất siêu, sau 10 tháng xuất siêu được 1,2 tỷ USD. 

Thứ sáu, đã có 105.000 doanh nghiệp mới được thành lập với vốn đăng ký tăng 43,8%; tổng vốn đăng ký trên 1 triệu tỷ đồng.

Thứ bảy, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ tăng 10,7%. 

Cuối cùng, khách quốc tế tới Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt.

17h45

Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm tân thành viên Chính phủ

Cũng tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Thủ tướng tặng hai thành viên Chính phủ câu mà dân gian hay nói: “Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”, với ý nghĩa là đi đến đâu là tốt đến đó, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho Chính phủ, cho đất nước.

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam - 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Chủ tịch nước cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đó, chiều 25/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội xem xét phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Theo đó, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu Lê Minh Khái được Thủ tướng giới thiệu làm Tổng Thanh tra Chính phủ thay ông Phan Văn Sáu (Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng)

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông vận tải thay ông Trương Quang Nghĩa (Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng).

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam - 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Chủ tịch nước cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

17h40

Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam 

Ngày 3/11, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, trong phiên họp lần này, cùng với nội dung kinh tế-xã hội, Chính phủ đã thảo kết quả rà soát, các đề xuất cụ thể của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư về cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của pháp luật liên quan; cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí; chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai...

Thủ tướng: Ngăn chặn việc hàng sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam - 5
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan tập trung phục vụ tuần lễ cấp cao APEC tốt nhất. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên 68, với hai chỉ tiêu nổi bật là nộp thuế điện tử và tiếp cận điện năng. Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

“Tuy đạt kết quả tháng 10 tốt nhưng không thể chủ quan trong chỉ đạo, điều hành quản lý đất nước, nhất là trong một số ngành, một số địa phương”, Thủ tướng yêu cầu. Ông cũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC tốt nhất.

Theo VnExpress.net