Xã hội

'Trả nợ cho vong' ở chùa Ba Vàng là trái Luật tín ngưỡng, tôn giáo

Báo cáo kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV nêu rõ, việc buộc phải "trả nợ cho vong" bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động là trái với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Báo cáo kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV nêu rõ, việc buộc phải "trả nợ cho vong" bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động là trái với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Ngày 21.10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Báo cáo kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV nêu rõ, tính đến hết tháng 9.2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã hoàn thành thực hiện 11 nội dung giám sát theo kế hoạch; tổ chức được tổng số 15 cuộc giám sát tại 13 địa phương, đơn vị.

Về Giám sát việc thực hiện pháp luật trong vụ "thỉnh vong", "giải oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, báo cáo nêu rõ: Sau khi nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo đã chủ động vào cuộc khi sự việc được các cơ quan truyền thông đăng tin, đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật, không để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

 
Tháng 3.2019, chúng tôi đã có loạt bài phản ánh về việc truyền bá vong báo oán ở chùa Ba Vàng. 

Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện pháp luật của các cơ quan chức năng trong vụ "thỉnh vong", "giải oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, địa phương nên để vụ việc "thỉnh vong", "giải oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng kéo dài từ năm 2015.

Sự nắm bắt thông tin của các cơ quan chức năng còn hạn chế, cơ chế phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự nhắc nhở, tỏ thái độ với các biểu hiện, việc làm sai. Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước ban đầu còn lúng túng, đến nay vẫn chưa có kết luận có sự ép buộc, trục lợi hay không...

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của một số người dân còn hạn chế nên dễ bị lợi dụng, tuyên truyền những tư tưởng xấu, độc, những sự việc thiếu cơ sở khoa học. Chùa Ba Vàng đã buông lỏng quản lý, giáo dục, để một số người lợi dụng truyền bá những sự việc chưa đúng với tinh thần đạo Phật. Công tác giáo dục, quản lý tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có những bất cập…

Các hoạt động "thỉnh vong", "giải oan gia trái chủ" gắn với một số biểu hiện "hù dọa" là không đúng tinh thần cứu khổ cứu nạn của Phật giáo.

Việc buộc phải "trả nợ cho vong" bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động là trái với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trái với Điều 5, Điều 9 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngày 20.3.2019, Chúng tôi đăng tải phóng sự "Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ" thông tin vụ việc trục lợi từ các hoạt động thỉnh vong, gọi hồn tại chùa Ba Vàng.

Sau phản ánh của Báo Lao Động, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc và xử lý nghiêm những người liên quan; đồng thời chấn chỉnh hoạt động truyền bá "vong báo oán" tại chùa Ba Vàng.

Theo C.Nguyên - Đ.Chung (Lao Động)