Xã hội

Vào diện tình nghi, vì sao ông chủ Nhật Cường bỏ trốn được?

Nêu bất cập trong quy định xuất, nhập cảnh, đại biểu Quốc hội yêu cầu có quy định để ngăn chặn những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh hay ông chủ Nhật Cường bỏ trốn.

Chiều 28/5, sau khi nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, các đại biểu Quốc hội đã có phiên thảo luận tại tổ về nội dung này.

Làm sao để ngăn đối tượng tình nghi bỏ trốn?

Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu Nguyễn Văn Hiển có nhiều góp ý chi tiết vào quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

Dự thảo luật quy định các trường hợp bị tạm hoãn là bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Song ông Hiển cho rằng quy định này “vừa thừa, vừa thiếu”.

Vào diện tình nghi, vì sao ông chủ Nhật Cường bỏ trốn được?
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). Ảnh: Hoài Vũ.

Ông nêu thực tế vừa qua, dư luận rất bức xúc với các trường hợp không nằm trong diện quy định tạm hoãn xuất cảnh. Điển hình như Trịnh Xuân Thanh hay ông chủ Nhật Cường Mobile.

“Những trường hợp này chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác. Nhưng trong tình huống như vậy, rõ ràng vụ việc rất nghiêm trọng, tại sao họ vẫn xuất cảnh, vẫn bỏ trốn được?”, ông Hiển đặt câu hỏi.

Theo ông, luật phải xử lý được vấn đề nói trên. Bởi trong rất nhiều trường hợp, dù không có đơn tố giác, quá trình điều tra, xác minh, các cơ quan tố tụng đã biết rõ đối tượng đó đang ở diện tình nghi. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn họ sẽ trốn. Khi họ bỏ trốn rồi nhiều hệ lụy xảy ra, còn dư luận thì vô cùng bức xúc.

“Các cơ quan có thẩm quyền trong tình huống cụ thể cần xem xét có biện pháp hạn chế xuất cảnh với những trường hợp này, đó là việc hoàn toàn cần thiết”, ông Hiển góp ý vào dự thảo luật.

Ở một góc độ khác, ông Hiển nêu quy định trong dự luật chỉ cần một công dân đưa đơn tố giác, dù chưa xác minh đủ chứng cứ phạm tội thì đã ngăn người nào đó xuất cảnh, như vậy là không đúng.

“Cơ quan có thẩm quyền phải kết luận rằng tố giác này có căn cứ hay không, lúc đó chúng ta mới áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh. Nếu quy định như thế này thì rộng quá và thừa”, ông Hiển nói.

Đại biểu Trần Văn Quý (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật) cũng nhìn nhận các trường hợp dư luận bức xúc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy hay ông chủ Nhật Cường là do chúng ta thiếu chế tài, không có quy định của luật và chưa có quyết định của người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói những đối tượng như đại biểu Quý nêu thực tế đã nằm trong các chuyên án. Và việc đã đưa vào diện điều tra mà lại thả lỏng thì "không chấp nhận được".

“Những trường hợp này khi đã làm chuyên án rồi thì chúng ta phải có trinh sát nội, ngoại tuyến theo dõi, phải dự phòng các trường hợp để cấm xuất cảnh, tại sao vẫn để bỏ trốn”?, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Từ thực tế đã nêu, ông cho rằng dự luật cần có sự bổ sung để khỏa lấp hết các tình huống. Theo đó, tới đây, tất cả đối tượng liên quan đến vụ án đang được xem xét, điều tra thì phải cấm xuất cảnh, ngăn việc bỏ trốn.

“Có dấu hiệu rồi mà đi không biết, đây là sơ hở to lớn khiến Nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, lại tạo ra sự không tin tưởng của dư luận”, ông Nhưỡng nói.

Nhiều điểm mới trong quy định xuất, nhập cảnh

Trước đó, Quốc hội nghe đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, trình bày tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.

Dự luật lần này quy định cụ thể quyền của công dân với 4 quyền mang tính nguyên tắc, gồm: được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh lần này, dự luật đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh. Việc này nhằm vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Vào diện tình nghi, vì sao ông chủ Nhật Cường bỏ trốn được? - 1
Bộ trưởng Tô Lâm trình dự luật Xuất, nhập cảnh tại Quốc hội chiều 28/5. Ảnh: Minh Quân.

Trường hợp tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ có hiệu lực pháp luật và có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ… cũng là đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Để tránh việc lạm dụng, tùy tiện trong áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, Bộ trưởng Công an cho biết dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn.

Cụ thể, dự thảo quy định chỉ tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ trong vụ án hình sự, dân sự, kinh tế nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án…

Người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó… cũng thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn người vi phạm, người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

“Đối với trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá 3 năm và có thể gia hạn, mỗi lần không quá 3 năm”, đại tướng Tô Lâm cho hay.

Đặc biệt, dự luật bỏ quy định thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với các trường hợp có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính (không quy định thẩm quyền xử phạt hành chính cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

Truy nã ông chủ Nhật Cường

Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) ngày 19/5 ra quyết định truy nã bị can Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường - Nhật Cường Mobile. Ông Bùi Quang Huy sinh năm 1974, tại Hà Nội. Trước khi trốn nã, Huy cư trú tại chung cư Golden WestLake nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trước đó ,ngày 14/5, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy và 8 người khác để điều tra về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Quyết định tố tụng được ban hành khi cơ quan điều tra triệt phá đường dây buôn lậu có tổ chức do ông Huy cầm đầu. Khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Nhật Cường Mobile, cảnh sát đã thu giữ hàng nghìn điện thoại di động, iPad, phụ kiện các loại...

Bước đầu cơ quan điều tra xác định Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.

Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)