Xã hội

Vay 20 tỷ đồng phải có thu nhập 200 triệu đồng /tháng

Trả lời báo chí ngày 29.6, ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái cho biết vay 20 tỷ để xây biệt phủ. Phân tích về khoản vay này, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thu nhập của khách hàng khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng mới vay được 20 tỷ.

Trả lời báo chí ngày 29.6, ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái cho biết vay 20 tỷ để xây biệt phủ. Phân tích về khoản vay này, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thu nhập của khách hàng khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng mới vay được 20 tỷ.

vay 20 ty dong phai co thu nhap 200 trieu dong /thang hinh anh 1

"Lương  một Giám đốc sở chắc chắn không đủ"

Theo một cán bộ tín dụng ngân hàng thương mại (đề nghị dấu tên) cho biết, đối với khách hàng cá nhân, thông thường khi ngân hàng cho vay sẽ tính đến yếu tố đầu tiên là khả năng trả nợ của khách hàng. Với trường hợp như của ông Quý, vay 20 tỷ thì ngân hàng phải xét đến thu nhập hàng tháng có đủ khả năng trả nợ cả một phần gốc và lãi vay hay không. “Nếu thu nhập của khách hàng không ổn định, đảm bảo trả nợ thì khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu và bản thân cán bộ tín dụng cũng bị liên đới trách nhiệm. Do đó, mỗi khách hàng khi vay vốn, cán bộ tín dụng đều phải tìm hiểu kỹ, phải xuống tận nhà để xem các tài sản bảo đảm và khó nhất là việc đánh giá tài sản hình thành trong tương lai”.

Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, tôi cũng có xem qua thông tin của ông Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái trên báo chí. Xét ở góc độ vay vốn ngân hàng, bao giờ cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp hoặc tài sản đảm bảo có khả năng thanh toán. Trong trường hợp thế chấp, cá nhân ông Sỹ Quý hoàn toàn có thể thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai. Tôi cũng đã đi qua Yên Bái và nhìn thấy "biệt phủ" của ông này nên theo tôi, giá trị của biệt phủ này còn lớn hơn nhiều giá trị 20 tỷ. Do đó, ông Sỹ hoàn toàn có thể sử dụng hình thức lấy tài sản được hình thành để thế chấp cho khoản vay đó. “Vấn đề quan trọng là người ta định giá biệt phủ đó bao nhiêu để cho vay 20 tỷ. Nếu có hợp đồng tín dụng là có thể thấy rõ ngay”, ông Thịnh nhấn mạnh.

 Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, bản thân ngân hàng cho vay cũng phải đảm bảo các điều kiện của hệ thống ngân hàng đặt ra. Trong đó, cho vay cá nhân ở mức nào, dựa trên cơ sở nào để cho vay. Dựa trên lương, thu nhập để tính năm, tháng và thời hạn vay bao nhiêu, thời hạn 40 năm hay thời hạn vay 10 năm thì phương án trả nợ  cũng khác nhau. Hàng tháng, người vay 20 tỷ lấy gì ra để trả nợ vay và lãi vay, tiền lương của một Giám đốc Sở thì chắc chắn không đủ, trong hợp đồng có ghi các vấn đề này không…?  

Cũng theo ông Thịnh, các khoản vay thương mại hiện nay chắc chắn lãi suất trung bình phải trên 10%, thì mỗi năm lãi suất của 20 tỷ cũng khoảng 2 tỷ. Ngoài ra, Ngân hàng còn thu lại một khoản vốn chứ không chỉ riêng lãi suất. Ông Thịnh cũng cho rằng, không loại trừ người đi vay có thể vay nhiều ngân hàng cùng lúc để có đủ khoản tiền 20 tỷ cho mục tiêu của mình. “Nhiều vụ án đã xảy ra, có những doanh nghiệp bị 4 đến 5 ngân hàng tới canh kho, nhưng trong kho chỉ có cỏ khô, hoàn toàn không có cà phê như tài sản thế chấp trước đó. Nếu để xảy ra việc một cá nhân vay nhiều ngân hàng là có lỗi của ngân hàng làm không chặt việc xét duyệt cho vay”, ông Thịnh nói.

"Chắc chắn phải là thu nhập của đại gia"

Cùng chung nhận định trên, Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người đi vay có thể sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Tuy nhiên, bản thân một cá nhân đi vay trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản phải đảm bảo có tối thiểu 30% vốn tự có, còn lại 70% ngân hàng có thể cho vay.

Khi ngân hàng cho vay, thường đối với tài sản bất động sản thì thời hạn vay là 10 năm hoặc 20 năm và phải trả góp để trả cho món nợ đã vay. Lãi suất của các ngân hàng thương mai hiện nay cũng giao động từ 9-11% mỗi năm và có thể điều chỉnh theo từng thời kỳ do các ngân hàng đã định sẵn. “Điều kiện vay, phải là người không có tín dụng xấu, không có nợ quá hạn trong quá khứ. Phải có công việc ổn định, thu nhập phải đủ chi trả, gồm cả lương và nguồn thu nhập khác. Thông thường, tỷ lệ an toàn cho vay là phải tính toàn bộ khoản phải trả nợ hàng tháng của người vay không quá 60% tổng thu nhập. Bởi người đi vay còn phải chi phí cho cuộc sống với nhiều khoản khác”, ông Hiếu phân tích.

Ông Hiếu cũng tính toán, giả sử vay 20 tỷ với thời hạn 20 năm thì chỉ nguyên khoản trả tiền gốc mỗi tháng cũng phải là 83 triệu đồng, cộng với lãi suất tính trung bình 10%/năm thì mỗi tháng phải trả khoảng 100 triệu đồng cho ngân hàng. “Như vậy, thu nhập của người đi vay phải ít nhất là 150 đến 200 triệu đồng/tháng thì mới đủ điều kiện vay 20 tỷ, bởi cá nhân người vay còn phải trả thuế, phải chi tiêu cho gia đình…chắc chắn phải là thu nhập của đại gia”, ông Hiếu nói.

Sau thông tin ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái công bố trên báo chí, vay 20 tỷ để xây biệt phủ, nhiều người đặt câu hỏi, cá nhân ông Quý có thu nhập gì cao tới mức đủ vay vốn tại ngân hàng cao như thế? Giả sử không chỉ là thu nhập của ông mà còn có thu nhập của người thân ông Quý thì từ khoản gì, hàng tháng cũng phải đảm bảo có 150 đến 200 tỷ để vây ngân hàng 20 tỷ. Ngoài ra, ông Quý giải thích là làm trang trại thì bao giờ sẽ cho thu nhập đủ khoản trả gốc và lãi ngân hàng 150 – 200 triệu mỗi tháng chỉ dựa vào trồng lan và thả cá?

Theo Phi Long (Dân Việt)