Xã hội

Xôn xao đề thi Văn bị cho là 'xúc phạm nhà giáo' của 1 trường học ở TP.HCM, phụ huynh đọc xong đều ngỡ ngàng

'Tôi không hiểu người ra đề nghĩ như thế nào mà lại đưa ngữ liệu hạ thấp hình ảnh nhà giáo vào đề thi văn như vậy?'.

Mới đây, đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn tại Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM bị nhiều người cho là bôi xấu nhà giáo khi đưa ra một truyện cười về mối quan hệ thầy trò trong xã hội xưa.

Cụ thể, sáng 26/12/2023, trong đề kiểm tra cuối HKI môn Ngữ Văn lớp 8, năm học 2023 - 2024 của Trường THCS Colette, phần Đọc - Hiểu đưa câu chuyện có nội dung sau vào đề:

"Ông thầy đồ nọ vốn tính tham ăn. Bữa ấy có người mời đi ăn cỗ, thầy mới cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Đến nơi, thầy ngồi vào cỗ, bảo học trò đứng bên cạnh. Trông thấy trong mâm cỗ còn nhiều bánh trái, bụng no nhưng thầy lại muốn bỏ túi mấy chiếc. Sợ người chung quanh nom thấy thì mất thể diện, thầy mới cầm bánh thản nhiên đưa cho học trò, bảo:

- Này, con cầm lấy!

Vừa đưa, thầy vừa nháy ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, tưởng thầy cho thật, liền bóc ngay ra ăn. Thầy nhìn thấy giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng.

Đến lúc ra về, thầy vẫn còn nhớ đến mấy cái bánh, muốn kiếm cớ để trả thù học trò. Khi hai thầy trò đang cùng đi ngang nhau, thầy bèn giận dữ mắng học trò:

Mày là anh em bạn với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?

Trò sợ, vội vàng đi nhanh lên trước. Thầy lại gắt:

Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?

Xôn xao đề thi Văn bị cho là 'xúc phạm nhà giáo' của 1 trường học ở TP.HCM, phụ huynh đọc xong đều ngỡ ngàng

Trò tụt lùi lại sau. Thầy lại quát:

Tao có phải là thằng tù đâu mà mày phải đi sau áp giải.

Trò ngơ ngác quay lại thưa:

Bẩm bẩm, con đi thế nào thầy cũng mắng, vậy thầy bảo cho con nên thế nào cho phải?

Thầy chẳng ngần ngại gì nữa, hầm hầm bảo:

Thế bánh tao đâu?.

(Truyện "Bánh tao đâu?" - sachhay24h.com)

Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào?

Câu 2: Nêu bài học rút ra từ văn bản trên?

Câu 3: Cho biết nghĩa tường minh và nghĩa hàm ý trong câu: "Này, con cầm lấy!".

Câu 4: Dựa vào văn bản, xác định bối cảnh và loại nhân vật.

Câu 5: Viết đoạn văn ngắn (5-7 dòng) nêu suy nghĩ của em về bài học rút ra từ văn bản trên."

Chị T., một phụ huynh có con học lớp 8, cho biết chị vừa giận, vừa buồn khi đọc đề thi. Theo chị T, "gia đình tôi có nhiều người theo nghề giáo, khi đọc đề thi văn trên, thực sự tôi rất giận. Nội dung câu chuyện là một sự xúc phạm các nhà giáo.

Trong kho tàng văn học nước nhà, thiếu gì những tác phẩm hay, sâu sắc, tại sao người ra đề lại chọn văn bản hạ thấp hình ảnh nhà giáo để đưa vào đề thi văn như vậy?

Con tôi bảo đó giờ cứ nghĩ thầy đồ là người cao cả, đáng kính và mực thước. Giờ mới biết thầy đồ vừa xấu tính lại vừa tham ăn, còn xưng mày - tao với trò nữa... Ngữ liệu của đề thi phải mang tính giáo dục học sinh chứ sao lại thế này?" - chị T. bức xúc đặt câu hỏi.

Trước phản ứng của dư luận, cô Lưu Thị Hà Phương, hiệu trưởng Trường THCS Colette cho hay, trong chương trình môn Ngữ Văn lớp 8, học sinh có học về truyện cười. Các truyện cười thường phê phán thói xấu trong xã hội như khoác lác, tham ăn, lười biếng… Do đó, khi ra đề kiểm tra cuối học kỳ, giáo viên đã chọn một truyện theo hướng ấy chứ không có chủ đích nhằm phê phán một đối tượng hay nghề nghiệp nào. Tuy nhiên, việc chọn câu chuyện này cũng có phần nhạy cảm, chưa đắt giá và nhà trường sẽ lưu ý, rút kinh nghiệm.

Trả lời Tuổi Trẻ, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng sau sự việc đề thi ngữ văn nhận nhiều phản ứng trái chiều của dư luận, các giáo viên cần chú ý ngữ liệu, chọn ngữ liệu từ những nguồn uy tín.

Đó là điều căn bản để giáo viên vừa có thể sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo được những yếu tố giáo dục trong các đề thi.

(Tổng hợp)

Minh Ngọc (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/xon-xao-truoc-de-thi-van-xuc-pham-nha-giao-cua-1-truong-hoc-o-tphcm-phu-huynh-doc-xong-ngo-ngang-tuc-gian-d201854.html