Xã hội

Xử lý "nhổ nước bọt": Tại không quản thi công gây bụi

Cần phải xem xét toàn diện những công trình thi công không đảm bảo... dẫn tới một hệ quả tất yếu: xã hội sống trong sợ hãi, bụi bặm...

Cần phải xem xét toàn diện những công trình thi công không đảm bảo... dẫn tới một hệ quả tất yếu: xã hội sống trong sợ hãi, bụi bặm...
Ông Phan Đình Tân - Phát ngôn Bộ Văn hóa nhận định trước đề xuất xử phạt thật nặng với hành vi nhổ nước miếng để răn đe.
 
Sau khi cả Hà Nội và TP. HCM đều cho rằng phải xử phạt thật nặng để ngăn chặn "quốc nạn nhổ nước miếng", thậm chí còn mong muốn mời công an cùng vào cuộc thì Đà Nẵng lại tự tin sẽ thành công nhờ tuyên truyền.
 
Phạt Bộ XD, GTVT trước
 
Ông Phan Đình Tân - Phát ngôn Bộ Văn hóa thừa nhận, hành vi khạc nhổ là không thể chấp nhận được trong một nếp sống văn minh đô thị.
 
Tham gia góp phần làm trong sạch nền văn hóa, văn minh đô thị là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành chứ không riêng gì y tế, văn hóa... càng không phải là trách nhiệm riêng của người dân đi đường.
 

Những công trình thi công không đảm bảo là nguyên nhân khiến người dân khạc nhổ bừa bãi

 
Bày tỏ quan điểm ủng hộ Bộ GTVT và Bộ Y tế cũng như quan điểm của Hà Nội mong muốn xử phạt thật nặng hành vi này. Tuy nhiên, khạc nhổ phải tìm hiểu rõ nguyên nhân từ đó xác định phạt ai, phạt thế nào?. Ông Tân chỉ thẳng những công trình xây dựng thi công không đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân, gây ô nhiễm, bụi bặm, người dân phải đóng kín cửa cũng được xem là nguyên nhân khiến người đi đường không chịu được phải khạc nhổ bừa bãi. 
 
"Trước hai lựa chọn, nuốt những độc tố để có nguy cơ ngấm độc vào cơ thể với việc khạc nhổ ra ngoài thì lựa chọn khạc nhổ cũng là dễ hiểu", ông Tân nói.
 
Hay thi công công trình để nước bẩn tràn ra đường, người dân đi qua bị té nước lên người nếu không cũng chịu cảnh hôi thối, bịt mũi lắc đầu... nếu không khạc nhổ sẽ phải làm thế nào?
 
Ông Tân kể câu chuyện ở nước ngoài, khi một người đi bộ ký hợp đồng. Đi qua một vũng nước của một công trình đang thi công bị người đi xe té nước lên người làm bẩn quần áo. Chỉ vì về thay quần áo, họ bị lỡ mất hợp đồng lớn hàng triệu đô. Người này đã kiện nhà thầu xây dựng và yêu cầu phải bồi thường.
 
Nhất là hiện tượng này không còn là hiếm thấy, đâu đâu cũng thấy những công trình như vậy... xã hội kêu gọi, than khóc nhưng không có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm.
 
Trong khi một chiếc taxi dừng đỗ vì lý do sức khỏe, bị cản trở... thì nhiều cơ quan muốn phạt. Còn nguyên nhân trực tiếp, gây ra những phiền hà cho xã hội, người dân lại không thấy ai chịu trách nhiệm, không ai bị phạt.
 
"Vì vậy, tôi mới nói cần phải xem xét toàn diện những công trình như vậy... dẫn tới một hệ quả tất yếu: xã hội sống trong sợ hãi, bụi bặm, nhiễm độc. Hay nói cách khác, khạc nhổ bừa bãi có nguyên nhân từ chính các cơ quan quản lý nhà nước".
 
Không cổ súy cho hành vi khạc nhổ nơi công cộng, tuy nhiên ông Tân cho rằng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý mang tính đồng bộ, chặt chẽ hơn.
 
"Nếu muốn xử phạt được hành vi khạc nhổ cần đề xuất xử phạt thật nặng đối tượng là nguyên nhân gây ra những hậu quả, tác hại khôn lường như vậy. Không thể cứ nhìn thấy khạc nhổ thì phạt người khạc nhổ.
 
Ví dụ, người dân bị rơi vào hố ga công trình đang thi công, vấp ổ gà, tai nạn vì đường xấu... chịu trách nhiệm là công trình xây dựng và địa phương", ông Tân bức xúc.
 
Hà Nội nhếch nhác, khạc nhổ bừa: khó xử
 
Cũng theo ông Tân, không phải vì thế không xử lý nhưng xử lý phải xử từ trong trứng nước, phải tuyên truyền giáo dục nhưng vấn đề căn bản vẫn phải là tìm hiểu rõ nguyên nhân là gì. Khi đó, sẽ không có vấn đề nào không được giải quyết.
 
Lý giải vì sao, HN bày tỏ khó khăn thì ĐN lại rất tự tin sẽ xử lý được "quốc nạn" này ông Tân cho rằng: "Việc khạc nhổ là hành vi của từng cá nhân, Đà Nẵng môi trường, đường xá sạch sẽ, người dân họ ý thức hơn, dễ quản lý hơn còn HN đường xá bẩn thỉu, nhem nhuốc, nào là sắt thép, hàn xì...thì việc khó xử lý là đương nhiên.
 
Tức là ĐN có giải pháp đồng bộ, có cơ sở hạ tầng tốt nên việc xử lý vấn đề này là rất đơn giản, trong khi HN vỉa hè bị chiếm dụng, người dân đi xuống đường lại bị vấy bẩn, nguy hiểm... . Mặc dù biết khạc nhổ là thói quen xấu nhưng cũng không thể phủ nhận có nguyên nhân xấu khác do xã hội mang lại.
 
Vì vậy, theo ông Tân khi những nguyên nhân này chưa được xử lý, khó xử lý được quốc nạn nhổ nước bọt.
 
Trước đó, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã bày tỏ mong muốn thành lập liên bộ xử lý phạt thật nặng hành vi này.
 
>> Đừng phun nước miếng khi chạy xe
 
Theo Thu San (Đất Việt)