Xã hội

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc uy hiếp an toàn bay

Cục Hàng không Việt Nam phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các máy bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Cục Hàng không Việt Nam phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các máy bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, liên tiếp từ 1 đến 8/1, một số máy bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý.

"Các máy bay của Trung Quốc bỏ qua tất cả quy tắc"

Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, các tàu bay của Trung Quốc đã cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (có mực bay được quy định từ FL135 đến FL460, tức từ độ cao khoảng 4.000 m đến 13.800 m), M771 (có mực bay được quy định từ FL250 đến FL460, độ cao khoảng 7.500 m đến 13.800 m), FL180 đến FL265 (mực bay từ độ cao khoảng 5.400 m đến 8.000 m, có trường hợp bay lên đến 10.000 m).

"Các tàu bay trên của Trung Quốc đã không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và cũng không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh" - thông cáo của Cục Hàng không nêu rõ.

Trao đổi với Zing.vn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho hay các máy bay của Trung Quốc đã bỏ qua tất cả quy định, quy tắc của tổ chức dân dụng quốc tế ICAO liên quan đến hoạt động bay. Bay vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý nhưng không hề nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Cục Hàng không khẳng định hoạt động của các máy bay Trung Quốc nêu trên đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực. Ảnh: News.cn.
 
Cục Hàng không Việt Nam ngày 6 và ngày 8/1 đã có thư gửi Văn phòng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ICAO) tại Bangkok, đề nghị ICAO phải có biện pháp để các quốc gia không thực hiện những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế.

Ngày 8/1, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.

Nỗ lực bảo đảm an toàn bay

Cùng với thư thông báo gửi đến ICAO, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư thông báo đến nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không. 

Sơ đồ hoạt động bay của các tàu bay Trung quốc sáng 8/1 trong FIR Hồ Chí Minh. Nguồn: CAA.


Cục Hàng không Việt Nam khẳng định các hoạt động nói trên của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp đến an toàn khai thác các đường hàng không quốc tế trên Biển Đông được ICAO và các quốc gia liên quan thỏa thuận thiết lập; ảnh hưởng đến việc quản lý điều hành bay của các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam đối với Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.

"Về phía các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong các Vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý" - Cục hàng không Việt Nam nêu rõ.

Cục Hàng không Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, đã và đang phối hợp với ICAO và các tổ chức, hiệp hội quốc tế, các hãng hàng không quốc tế liên quan yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động bay tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở Biển Đông.

FIR tên đầy đủ bằng tiếng Anh là Flight Information Region, để chỉ “vùng thông báo bay” sử dụng trong ngành quản lý bay ở một vùng trời với giới hạn xác định trong đó có cung cấp dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động theo quy định của ICAO.

Vùng FIR Hồ Chí Minh. Nguồn: CAA


Về mặt pháp lý quốc tế, FIR bao gồm vùng trời thuộc chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, vùng trời được ủy nhiệm quản lý hoặc vùng trời trên công hải được ICAO xác lập và giao cho các thành viên của ICAO quản lý để cung cấp các dịch vụ không lưu, phụ thuộc và hoạt động HKDD. Việc ra quyết định ranh giới FIR của ICAO phụ thuộc vào bảo đảm trang thiết bị quản lý bay và năng lực quản lý không lưu của mỗi quốc gia.

>> Trung Quốc phải chấm dứt bay ra Trường Sa
>> Hàng chục chuyến bay Trung Quốc xâm phạm vùng kiểm soát của Việt Nam
>> Vùng bay Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì máy bay lạ

Theo Công Khanh (Zing.vn)