Công nghệ

Twitter cáo buộc Threads ăn cắp bí mật thương mại và nghịch lý chống độc quyền

Alex Spiro, luật sư của ông chủ Twitter Elon Musk, đã viết một lá thư cho Meta cáo buộc công ty này “cố ý” chiếm đoạt bí mật thương mại của họ. Trong thư của Spiro, ông đã cảnh báo Meta rằng, họ sẽ "bị cấm" thu thập dữ liệu người theo dõi trên Twitter.

Alex Spiro, luật sư của Twitter đã viết một lá thư cho công ty mẹ của Facebook là Meta cáo buộc công ty này "chiếm đoạt một cách có hệ thống" và "bất hợp pháp" các bí mật thương mại sau khi ra mắt ứng dụng Threads.

Bức thư từ luật sư lâu năm của Elon Musk này cáo buộc rằng, Threads là bản sao của Twitter được Meta xây dựng từ các cựu nhân viên Twitter “được chỉ định một cách có chủ ý” để phát triển một ứng dụng “bắt chước”.

Twitter cáo buộc Threads ăn cắp bí mật thương mại và nghịch lý chống độc quyền
Ông chủ Twitter Elon Musk dọa sẽ kiện Meta khi ra mắt ứng dụng Threads

Spiro không đưa ra ví dụ cụ thể nào về việc nhân viên Twitter sử dụng bí mật thương mại để xây dựng ứng dụng Threads, vốn đã thu hút hàng triệu người dùng trong vòng vài giờ sau khi ra mắt. Nhưng tin nhắn - được gửi vào cùng ngày mà Threads ra mắt công chúng - cho thấy mức độ quan tâm của Musk đối với cơ sở người dùng và năng lực kỹ thuật của Meta.

“Không ai trong nhóm kỹ thuật Threads là cựu nhân viên Twitter,” Andy Stone, giám đốc truyền thông Meta, đăng trên Threads.

Kể từ khi Musk mua Twitter trị giá 44 tỷ đô la vào tháng 10 năm ngoái, trang mạng xã hội này đã phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả việc một số nhà quảng cáo tạm dừng các chiến dịch của họ. Musk đã thu hẹp quy mô công ty một cách đáng kể, khiến công ty chậm phản ứng với các trục trặc.

Spiro cho biết, Meta bị cấm thu thập dữ liệu hoặc quét dữ liệu người theo dõi của Twitter mà không cung cấp bằng chứng cho thấy Meta đã tham gia vào hoạt động này. Trước đây, Musk đã cáo buộc rằng, việc thu thập dữ liệu người dùng Twitter diễn ra trên quy mô lớn, mặc dù ông cũng không đưa ra các ví dụ cụ thể.

Giám đốc điều hành mới của Twitter, Linda Yaccarino đã tweet rằng công ty này "thường bị bắt chước", ám chỉ đến Threads.

Threads đã ra mắt với sự tham gia của đại diện các thương hiệu lớn và người nổi tiếng. Ứng dụng này vẫn thiếu một số tính năng quan trọng, bao gồm cả ứng dụng web và chưa tạo ra doanh thu.

Twitter cáo buộc Threads ăn cắp bí mật thương mại và nghịch lý chống độc quyền - 1
Ông chủ Meta, Facebook Mark Zuckerberg

Threads đặt ra một số câu hỏi hóc búa cho các cơ quan quản lý

Đối thủ mới của Twitter đã rất phổ biến đối với người tiêu dùng nhưng lại đặt ra những câu hỏi khó xử về cách các công ty công nghệ lớn mở rộng.

* Nghịch lý chống độc quyền

Sự cạnh tranh giữa Mark Zuckerberg và Elon Musk đã trở nên gay gắt sau khi Meta tung ra ứng dụng mới Threads, một đối thủ của Twitter mà trong ngày đầu tiên ra mắt đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhanh nhất từ trước đến nay.

Trong thời đại giám sát chống độc quyền chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ lớn (Big Tech) ở Mỹ, Châu Âu và các nơi khác, nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận trên mạng xã hội của Meta đặt ra câu hỏi về khả năng mở rộng sang các lĩnh vực mới, ngay cả khi người chơi tự xây dựng dịch vụ mới, hơn là mua một kẻ thù nhỏ hơn.

Tim Wu, kiến trúc sư của chính sách chống độc quyền của chính quyền Biden và hiện là giáo sư tại Trường Luật Columbia, Mỹ cho rằng, Threads đặt ra hai khả năng chống độc quyền chống lại nhau.

Thách thức về sự thống trị của Twitter là tích cực. “Nói chung, chúng tôi muốn các công ty lớn cạnh tranh lẫn nhau,” Tim Wu nói. Ngược lại, Meta đã thống trị môi trường truyền thông xã hội thông qua Instagram, Facebook và WhatsApp. Việc mở rộng đế chế này và cho phép nó tích lũy thêm dữ liệu là điều mà các công ty công nghệ khác không thể vui vẻ được.

* Các cơ quan quản lý sẽ muốn biết Meta đang giành thị phần như thế nào? Bằng cách cung cấp một sản phẩm tốt hơn hay bằng cách sử dụng lợi thế về quy mô để đè bẹp Twitter một cách không công bằng?

Threads được tích hợp vào Instagram, giúp nó có khả năng tiếp cận khoảng hai tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Một vấn đề nan giải khác: Người dùng phải xóa tài khoản Instagram của họ để hủy tài khoản Threads. Không rõ Ủy ban Thương mại Liên bang có thể xem thỏa thuận này như thế nào bởi lẽ cơ quan này đã tuyên bố sẽ trấn áp các công ty khiến việc chọn không tham gia một dịch vụ trở nên quá phiền phức.

* Mối quan tâm dữ liệu lớn. Threads không khả dụng ở Liên minh Châu Âu (EU), nơi các cơ quan giám sát quyền riêng tư từ lâu đã quan tâm đến cách Meta xử lý thông tin của người dùng. Ngày 11/7, tòa án hàng đầu của EU đã ủng hộ một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Meta về các vi phạm quyền riêng tư dữ liệu, kết luận rằng dữ liệu là yếu tố quyết định trong việc thiết lập sức mạnh thị trường.

* Không vi phạm luật chống độc quyền nếu thu hút nhiều người dùng. Tăng trưởng hữu cơ không phải là vấn đề, Nancy Rose, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và là cựu nhà kinh tế trong bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp, Mỹ, cho biết. Bà đồng cảm với quan điểm rằng, sẽ tốt hơn nếu một người chơi mới, thay vì một gã khổng lồ công nghệ, thách thức Twitter nhưng tin rằng Meta là “một đối thủ đáng tin cậy”. Công ty có một “khởi đầu thuận lợi,” bà Rose nói.

Doug Melamed, giáo sư Trường Luật Stanford và cựu quan chức chống độc quyền tại Bộ Tư pháp cho biết: “Chìa khóa là hiệu ứng mạng. Tiện ích của các sản phẩm của Meta đối với người tiêu dùng tăng lên khi có nhiều người dùng đăng ký”. Ông Melamed cho biết, việc tận dụng chúng để nâng cao chất lượng của Threads sẽ không vi phạm luật chống độc quyền.

Daniel Francis, giảng viên luật tại Đại học New York và là cựu phó giám đốc Cục Cạnh tranh của F.T.C., cho biết, sự không hài lòng của người tiêu dùng với những thay đổi đối với Twitter đã khiến mọi người tìm một giải pháp thay thế. “Ví dụ về Threads cho thấy các công ty công nghệ lớn cũng có thể là những người tham gia có giá trị, mang lại áp lực cạnh tranh mới,” ông Francis nói.

Theo Hà Thu (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/twitter-cao-buoc-threads-an-cap-bi-mat-thuong-mai-va-nghich-ly-chong-doc-quyen-post1550524.tpo