Gia đình >> COVID-19 (nCoV)

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: '24% nam giới bị ảnh hưởng sinh lý hậu Covid-19'

Bên cạnh các di chứng kéo dài điển hình như mệt mỏi, khó thở, nhức đầu… thì COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tình dục của cả nam và nữ ra sao đang được rất nhiều người quan tâm.

Đây là vấn đề thế giới rất quan tâm. Có nhiều nghiên cứu đã được công bố khiến những bệnh nhân đã mắc COVID-19 rất lo lắng. Người ta đã chứng minh rằng virus SARS-CoV-2 sau khi nhiễm vào cơ thể con người có thể khiến tinh trùng của nam giới giảm chất lượng và số lượng.

Trả lời trên báo VnExpress.net, Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết khoảng 24% nam giới sau khỏi Covid bị ảnh hưởng sinh lý, nhiều người hụt hơi... nhưng chỉ nên đi khám khi có triệu chứng kéo dài.

Cụ thể, theo một báo cáo, khoảng 24% nam giới sau nhiễm Covid-19 có ghi nhận giảm lượng testosterone, và điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sinh lý nhưng chưa có bằng chứng về việc giảm testosterone này tới tình trạng mệt mỏi kéo dài hoặc các biểu hiện khác. Một phần do thông tin truyền thông sai khiến cho người bệnh bị ảnh hưởng về tâm lý. Do đó nếu cảm thấy có những thay đổi và rối loạn sinh dục, bạn nên đến chuyên khoa để được thăm khám.

Còn ở nữ thì hoạt động của buồng trứng và tử cung bị ảnh hưởng làm giảm khả năng thụ thai (do nang trứng không phát triển) và giảm khả năng làm tổ của trứng.

Để giải thích mối liên hệ này, ta phải nhìn lại cơ chế gây bệnh của virus SARS-CoV-2. Cấu trúc protein của virus này có các gai S. Những gai này rất có ái lực với thụ thể ACE 2 (angiotensin-converting enzyme 2). Khi muốn xâm nhập vào tế bào cơ thể người, virus phải gắn gai S với thụ thể ACE 2 nằm trên màng tế bào. Sau đó, chúng chuyển vật liệu di truyền, hòa vào nhân tế bào con người.

Thụ thể ACE2 hiện diện rất nhiều ở màng tế bào niêm mạc miệng, phổi, tim và các cơ quan khác khắp cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục - là cơ quan đích dễ bị virus tấn công. Ở nam nhiều nhất là tinh hoàn và ở nữ là buồng trứng, nội mạc tử cung. Vì thế, khi nhiễm COVID-19 thì khả năng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng.

Các nghiên cứu cho biết khi virus gắn vào các thụ thể ACE2 ở tinh hoàn nam giới thì sẽ ảnh hưởng đến các cấu trúc nằm trong tinh hoàn như ống sinh tinh, tế bào nuôi dưỡng tinh trùng là tế bào Sertoli và tế bào Leydig là nơi sản xuất ra testosterone (hormone sinh dục nam).

Testosterone có vai trò quan trọng hỗ trợ cho sự sinh sản và phát triển tinh trùng. Khi tinh hoàn bị nhiễm virus thì phản ứng viêm tế bào xảy ra, làm giảm tiết nội tiết tố testosterone, giảm sự sinh tinh trùng.

Chính vì vậy, số lượng và chất lượng tinh trùng bị ảnh hưởng theo. Nếu phản ứng viêm nhiều sẽ gây ra hiện tượng xơ hóa, tác động xấu đến quá trình sinh tinh trùng và có sự rối loạn cương dương.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng: '24% nam giới bị ảnh hưởng sinh lý hậu Covid-19'
Ảnh minh họa

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra định nghĩa mới nhất về di chứng Covid-19, là bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau 3 tháng, kéo dài 6 tháng mà không được lý giải bằng chẩn đoán khác. Nhiều người lo lắng và đi khám hậu Covid-19, song theo bác sĩ, nếu triệu chứng kéo dài sau 6 tháng mới cần đi khám tại các cơ sở được cấp phép.

Triệu chứng Covid-19 ở người lớn: Các báo cáo cho thấy di chứng hậu Covid-19 nhiều, song phần lớn nhẹ. Người bệnh thường gặp một số triệu chứng như: mệt mỏi, mất ngủ, đau tức ngực, khó thở, một số trường hợp khác rụng tóc, chậm kinh nguyệt, ho nhiều, tiêu chảy; một số khác bị suy giảm sinh lý... Nếu triệu chứng xuất hiện 1-2 tháng thường là dấu hiệu Covid-19 kéo dài chứ không hẳn là hậu Covid-19. Khi nào bạn thấy triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khiến bạn lo lắng thì có thể đi khám, không nên đi khám theo phong trào.

Triệu chứng Covid-19 ở trẻ nhỏ: Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp hơn người lớn, các triệu chứng cũng không nhiều, tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn, vì vậy hậu Covid-19 cũng rất ít báo cáo đề cập. Một biểu hiện đáng lưu ý là hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), nhưng tỷ lệ này rất thấp. Các biểu hiện MIS-C là: sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa, một số trẻ đau đầu, đi ngoài phân lỏng.

Sau khi trẻ khỏi Covid-19 thì cơ thể vẫn đang yếu, cha mẹ không nên cho vận động mạnh, nên tăng cường vận động từ từ. Nếu sau đó con bạn vẫn mệt mỏi, kèm các biểu hiện khác nữa như rối loạn giấc ngủ, tiêu chảy hoặc nặng hơn... thì nên đi khám.

NT (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/bac-si-than-manh-hung-24-nam-gioi-bi-anh-huong-sinh-ly-hau-covid-19-tintuc815653