Gia đình

Người ngủ quá ít hoặc quá nhiều dễ lên cơn đau tim hơn người bình thường

Thời gian ngủ vừa phải giúp bảo vệ tim. Đây là kết luận của nghiên cứu mới đây, cụ thể là thời gian ngủ có thể ảnh hưởng lên nguy cơ lên cơn đau tim của một người, không tính đến những tác nhân khác, bao gồm cả gen.

Theo bài báo mới đây trên tờ Journal of the American College of Cardiology, các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ và Anh đã kể về cách họ phân tích thói quen ngủ với ghi chép y học của 461.347 người trong độ tuổi 40-69 đang sinh sống tại Anh.

Dữ liệu lấy từ UK Biobank, bao gồm cả ghi chép cá nhân của người tham gia về số giờ ngủ của họ mỗi đêm và ghi chép sức khỏe trong vòng 7 năm. Dữ liệu cũng bao gồm cả kết quả kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tim trong gen.

Người ngủ quá ít hoặc quá nhiều dễ lên cơn đau tim hơn người bình thường

Kết quả phân tích cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người ngủ được 6-9 tiếng đến 20%. Còn những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 34% so với người bình thường.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra rằng việc duy trì ngủ 6-9 tiếng mỗi đêm có thể làm giảm 18% rủi ro lên cơn đau tim ở những người có gen dễ mắc bệnh tim.

“Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng vững chắc nhất rằng thời gian ngủ là nhân tố quyết định sức khỏe của hệ tim – và điều này đúng với tất cả mọi người.” Người đứng đầu cuộc nghiên cứu – Tiến sĩ Celine Vetter, cũng là một phó giáo sư môn Sinh lý học tổng thể tại Trường Đại học Colorado ở Boulder cho biết.

Thời gian ngủ là một nhân tố độc lập

Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa thói quen ngủ nghỉ và sức khỏe hệ tim từ lâu. Tuy nhiên, phần lớn những khám phá này đến từ những nghiên cứu quan sát: tức là chỉ có thể xác nhận có mối liên hệ mà không thể tìm ra xu hướng của nguyên nhân và hiệu ứng.

Bởi vì có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới giấc ngủ và sức khỏe hệ tim, nên không dễ để xác định liệu giấc ngủ kém chất lượng khiến tim yếu hay là tim yếu khiến giấc ngủ kém chất lượng.

Vetter và những đồng nghiệp của bà đã vượt qua khó khăn này bằng cách sử dụng dữ liệu từ rất nhiều cá nhân, kết hợp với nghiên cứu gen và loại bỏ nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng tới cuộc nghiên cứu.

Nhìn chung, họ đã điều chỉnh để loại bỏ ảnh hưởng của 30 loại nhân tố có thể tác động tới sức khỏe hệ tim và giấc ngủ. Những nhân tố này bao gồm hoạt động thể thao, sức khỏe tinh thân, thu nhập, giáo dục, hút thuốc và cấu tạo cơ thể.

Kêt quả cho thấy thời gian ngủ là một nhân tố liên quan đến cơn đau tim mà ẩn chứa rủi ro và độc lập.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ lên cơn đau tim tăng nhiều nhất là khi giấc ngủ kéo dài hơn thời gian bình thường (tức là kéo dài hơn 6-9 tiếng)

Ví dụ như người chỉ ngủ 5 tiếng mỗi tối có nguy cơ lên cơn đau tim cao hơn 52% so với những người ngủ 7 – 8 tiếng. Còn người ngủ 10 tiếng lại có nguy cơ cao gấp đôi người ngủ 7 – 8 tiếng.

Cuộc phân tích áp dụng đa dạng kiểu gen

Sau đó đội ngũ nghiên cứu sử dụng một phương pháp tên là Ngẫu nhiên hóa Mendel (MR) để xác nhận rằng giấc ngủ ngắn là một nhân tố ảnh hưởng một cách độc lập.

Phân tích của MR cho thấy nhiều người với kiểu gen quy định họ phải ngủ ít thì có nguy cơ lên cơn đau tim cao hơn.

Những nghiên cứu trước đó đã đưa ra hơn 24 loại gen quy định thời gian ngủ.

Bằng cách sử dụng đa dạng gen, MR có thể xác định liệu mối liên hệ giữa nhân tố này và căn bệnh có bất biến trước những tác động khác không.

“Điều này làm chúng tôi tin chắc hơn rằng có một mối quan hệ nhân quả - chính là thời gian ngủ, không phải nhân tố nào khác, ảnh hưởng tới sức khỏe hệ tim,” Vetter khẳng định.

Giấc ngủ là chìa khóa để tim khỏe mạnh

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC), hơn một phần ba người trưởng thành ở Mỹ ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi tối như được khuyên.

CDC khuyến cáo sử dụng những mẹo nhỏ sau để có một giấc ngủ chất lượng hơn: Đi ngủ và thức dậy mỗi ngày đều vào lúc như nhau, kể cả cuối tuần., hấp thụ đủ ánh sáng tự nhiên – nhất là vào sáng sớm, tránh tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo, đặc biệt là gần giờ đi ngủ, tập luyện thể dục thể thao đều đặn và tránh tập gần lúc đi ngủ, tránh ăn uống khi sắp đi ngủ - nhất là tránh cồn, đồ ăn nhiều chất béo và đường.

Nếu vẫn khó ngủ, hãy tìm đến bác sĩ để tìm ra chướng ngại cản trở bạn, bao gồm cả tình trạng sức khỏe. Người dẫn dắt cuộc nghiên cứu – Iyas Daghlas, đang nghiên cứu tại Trường Đại học Y Harvard ở Boston, MA cho biết, “Đây là một thông điệp rất có ý nghĩa, rằng không cần biết bạn có di truyền bệnh tim hay không, việc ngủ đủ giấc có thể làm giảm nguy cơ đó. Tương tự, ăn kiêng theo chế độ hợp lý, không hút thuốc lá và những phong cách sống khác cũng vậy.” 

“Giống như tập luyện và ăn uống hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giấc ngủ cũng vậy.” Trích lời PhD Celine Vetter.

Theo Huy Hoàng (VietQ)