Gia đình

Từ vụ bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy: Cảnh báo những mối nguy chết người và hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra

Theo chuyên gia việc để trẻ nhỏ sử dụng ma túy có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vô cùng lớn. Có bé chỉ mút "tí xíu" thuốc phiện để "chắc dạ" đã ngừng thở, tím tái; Có bé khi uống nhầm dung dịch có chất ma túy tổng hợp trong lọ thuốc lá điện tử cũng bị co giật, hôn mê...

Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh bé trai khoảng hơn một tuổi bị người đàn ông có nhiều hình xăm dọa dẫm, ép sử dụng chất nghi là ma túy, lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bất bình, bởi ma túy là chất độc với người lớn, cực độc hại với trẻ em.

Sự việc được cho là xảy ra cách đây vài tháng tại một khu trọ ở huyện Hóc Môn (TPHCM), hiện Công an huyện Hóc Môn đang điều tra. Chỉ sau một ngày đăng tải, những hình ảnh này đã gây rúng động dư luận, hàng ngàn lượt người vào bình luận bày tỏ bức xúc về người đàn ông tàn nhẫn, người mẹ vô tâm.

Ngày 26/3, Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định địa điểm, bắt được hai người liên quan trong vụ việc bé trai bị bạo hành, nghi bị ép sử dụng ma túy.

Hai người này là Lê Văn Bậm (44 tuổi) và Nguyễn Thảo Nguyên (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Công an bắt giữ hai người để làm rõ về hành vi bạo hành, cho bé trai 3 tuổi (là con của Nguyên) sử dụng ma túy.

Ban đầu cả hai khai nhận vụ việc chỉ là do đùa giỡn chứ không có ý định làm hại gì đến bé. Nguyên khóc, cho rằng bé là con ruột của mình, không có cố ý làm tổn thương con và mong muốn bé không bị tách khỏi mẹ. Bậm là người sống như vợ chồng với Nguyên.

Từ vụ bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy: Cảnh báo những mối nguy chết người và hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra
Hình ảnh bé trai trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội.

Vụ việc đang khiến dư luận vô cùng bức xúc, nhiều người lo ngại về những hậu quả bé trai có thể phải chịu đựng nếu bị ép sử dụng ma túy từ khi còn rất nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, báo Thể thao & Văn hóa dẫn lời TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, nhận định việc để trẻ em sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện là vô cùng độc hại cho sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai.

Bà Thu phân tích ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, sức đề kháng kém. Do vậy, ma túy có thể để lại nhiều tác hại lớn đối với thể chất, trí tuệ, tinh thần của các em.

"Nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc vì sử dụng ma túy. Các biểu hiện co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được… thường thấy khi bệnh nhi nhập viện", BS Hồng Thu cho biết.

Cụ thể, ghi nhận trên Dân Trí, ngày 30/11/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhân 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.

Người nhà cho biết, bé vốn khỏe mạnh. Sau khi bé tình cờ nhặt được và uống khoảng 5 ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử, 15 phút sau đó người nhà phát hiện trẻ co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức cháu được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện, các bác sĩ đánh giá các triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ không giải thích được hết tình trạng ngộ độc do nicotine - chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử. Nghi ngờ có ma túy đá, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống, kết quả dương tính ma túy tổng hợp mới ADB-BUTINACA. 

Tương tự, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhũ nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nhập viện vì người lớn cho trẻ dùng thuốc phiện theo quan niệm dân gian, rằng trẻ dùng chút xíu thuốc phiện sẽ "chắc dạ", ít bị các bệnh đường ruột.

Quan niệm này không chỉ xảy ra ở các vùng núi, miền quê mà ngay tại Hà Nội, các bác sĩ từng tiếp nhận bệnh nhi 7 ngày tuổi tím tái, ngừng thở sau khi được bà cho mút thuốc phiện.

Bệnh nhi được đưa vào viện cấp cứu với biểu hiện tím tái, ngừng thở. Ngay khi vào viện, trẻ xuất hiện cơn tím tái lần 2 và ngay lập tức thở oxy.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé xuất hiện tình trạng tím tái sau khi được bà cho mút một "tí xíu" thuốc phiện để mong bé "chắc dạ", ít bị các bệnh đường ruột sau này. "Tí xíu" này được mô tả là người bà dùng một đầu tăm chấm vào thuốc phiện (dạng sệt) rồi cho bé mút", bác sĩ điều trị cho biết.

Theo các bác sĩ, việc sử dụng các biện pháp theo quan điểm dân gian, như việc dùng thuốc phiện để phòng bệnh đường ruột cho trẻ là cực kỳ nguy hiểm. Như trường hợp này, bệnh nhi tím tái, có cơn ngừng thở chỉ sau 1 tiếng mút lượng thuốc phiện rất nhỏ. Nếu bệnh nhi này không được cấp cứu kịp thời, cơn ngừng thở kéo dài sẽ nguy kịch đến tính mạng trẻ.

Từ vụ bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy: Cảnh báo những mối nguy chết người và hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy ra - 1
Hình ảnh cắt từ clip

Cũng trao đổi với Thể thao & Văn hóa, bác sĩ Hồng Thu cảnh báo một số hệ lụy có thể xảy ra khi trẻ nhỏ sử dụng ma túy.

Thứ nhất, trẻ có thể bị nghiện, và thời gian cai nghiện cũng như can thiệp vô cùng dài và vất vả.

Thứ hai, sử dụng ma túy ảnh hưởng đến thần kinh, dùng lâu dài sẽ gây hệ lụy rối loạn tâm thần. "Biểu hiện là kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi và ý tưởng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Thậm chí, có bệnh nhân đã nhảy lầu vì bị các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng", BS Hồng Thu cho hay.

Thứ ba, khi sử dụng các chất gây nghiện, bệnh nhân cũng có thể bị co giật, có biểu hiện khác như tăng thân nhiệt, rối loạn bên trong cơ thể, tổn thương tim mạch.

Thứ tư, sử dụng ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm một số bệnh như viêm gan B, HIV…

Ngoài ra, ở những thời điểm nhạy cảm như thiếu thuốc hoặc phê thuốc, các em dễ bị người lớn xâm hại thân thể hoặc lạm dụng tình dục, gây thương tích nặng nề. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từng cấp cứu một bé gái 16 tuổi bị hiếp dâm tập thể trong lúc phê thuốc. Bé phải chịu những tổn thương vùng kín nặng nề, trong đó có tổn thương làm thủng tử cung, gây xuất huyết ồ ạt. Bé đã phải cắt bỏ tử cung, không còn khả năng làm mẹ.

Chính vì những hệ lụy trên, các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần giám sát con trẻ của mình, giáo dục con tránh xa những chất gây nghiện. Đặc biệt, khi thấy trẻ có triệu chứng bất thường như nôn, run chi, kích thích la hét hoặc đột ngột hôn mê, cha mẹ cần bình tĩnh, để trẻ ở tư thế đầu cao, tuyệt đối không nhét bất kỳ một vật gì vào đường thở và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn phòng ngừa và điều trị.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/tu-vu-be-trai-3-tuoi-nghi-bi-ep-hut-ma-tuy-canh-bao-nhung-moi-nguy-chet-nguoi-va-he-luy-nghiem-trong-co-the-xay-ra-d158424.html