Giải trí

Hoãn phiên tòa vì đại diện Tuần Châu 'bị sốt virus', đạo diễn Việt Tú nói gì?

"Tôi hi vọng họ sẽ có sự chuyên nghiệp và tôn trọng phía bị đơn là chúng tôi", đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

Sáng nay (10/10), TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là Công ty giải trí Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu) và bị đơn là Công ty DS (do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm chủ).

Hoãn phiên tòa vì đại diện Tuần Châu 'bị sốt virus', đạo diễn Việt Tú nói gì?
Phiên tòa sáng nay, phía công ty DS đã mang đến rất nhiều tài liệu.

Tuy nhiên, một đại diện theo ủy quyền của Tuần Châu Hà Nội - bà Hà Thị Thùy Linh đã có đơn xin vắng mặt và hoãn phiên tòa do "bị sốt virus". Một luật sư của phía Tuần Châu là ông Vũ Khánh Toàn cũng vắng mặt tại phiên tòa không lý do.

Mặc dù vậy, phía nguyên đơn vẫn có sự tham dự của bà Hà Thị Thảo (người đại diện theo ủy quyền) và hai luật sư là ông Vũ Văn Tính và Ngô Huỳnh Phương Thảo. Do vậy, phía bị đơn - công ty DS của đạo diễn Việt Tú vẫn yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục phiên tòa.

Sau khi thảo luận, và dựa trên qui định 296 của luật tố tụng dân sự HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa tiếp theo sẽ được tổ chức vào thời điểm thích hợp theo đúng qui định của luật tố tụng dân sự trong vòng 1 tháng.

Hoãn phiên tòa vì đại diện Tuần Châu 'bị sốt virus', đạo diễn Việt Tú nói gì? - 1
Đạo diễn Việt Tú.

Chia sẻ cảm xúc khi phiên phúc thẩm bị hoãn, đạo diễn Việt Tú cho biết: "Tôi thấy họ không chuyên nghiệp. Luật sư thì đến muộn, luật sư lại vắng không lý do. 

Điều đấy khiến tôi có cảm giác, bên đấy rất lộn xộn còn tôi không có ý kiến gì về việc phiên tòa bị hoãn. Họ cũng chỉ có một lần duy nhất làm việc đó còn chúng tôi thì tâm thế hiện tại là chờ và đợi ngày xử tiếp theo.

Tôi hi vọng họ sẽ có sự chuyên nghiệp và tôn trọng phía bị đơn là chúng tôi".

Đạo diễn Việt Tú còn cho biết, phía anh nhiều lần mời đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến tham dự phiên tòa và các cuộc họp báo để trao đổi, đối chất nhiều chiều nhưng lần nào cũng bị từ chối. 

Nói thêm về vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ liên tục nhận được giải thưởng thời gian gần đây, đạo diễn Việt Tú nói:

"Tất cả những giải thưởng mà họ đã và đang có được thì tôi coi đó là giải của mình vì những người nông dân đó do tôi đào tạo và vở diễn đó dựa trên nền tảng của tôi. 

Và do hoàn cảnh nên tôi không nhận thì họ nhận thay tôi thôi. Giờ chỉ cần mọi người vào tận làng hỏi những người nông dân rằng, diễn vở này ai là người dạy các ông? Thì tôi tin sẽ có câu trả lời chính xác.

Tôi vẫn còn Facebook của anh diễn vai Tễu - anh Đảng. Cái ngày mà anh biết vụ kiện ra tòa, anh còn chia sẻ rằng, "sao mọi người cứ bảo vở này do ông Tinh hoa Bắc Bộ kia. vở này của thầy Tú mà...". Thế giới phẳng rồi, tôi không tự nói cái gì có lợi cho tôi được phải có chứng, có lý".

Ngày 16/11/2015, Công ty TCHN ký hợp đồng thuê Công ty DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, sáng tạo kịch bản, dàn dựng vở diễn thực cảnh Ngày xưa hay còn có tên gọi khác là Thủa ấy xứ Đoài).

Tháng 6/2016, Thủa ấy xứ Đoài (Ngày xưa) được công diễn cho khán giả và khách mời. Tuy nhiên sau đó phía đầu tư là Công ty TCHN đột ngột dừng biểu diễn.

Tháng 10/2017, vở Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng được ra mắt trên đúng địa điểm trước đó đã diễn ra vở Thủa ấy xứ Đoài.

Tháng 3/2018, phía Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cho biết TAND Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng với cáo buộc đạo diễn Việt Tú vi phạm nhiều nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên như: Cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn.

Tháng 5/2018, TAND Hà Nội đã thụ lý đơn khởi kiện của phía Việt Tú phản tố Công ty CP Tuần Châu Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp này và Sen Vàng (bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản Thuở ấy xứ Đoài và trả nợ, bồi thường thiệt hại tổng cộng 7,2 tỷ đồng.

Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào 3/2019, HĐXX Tòa Dân sự TAND Hà Nội nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày xưa" còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản.

Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả đối với đạo diễn Việt Tú là đúng quy định nhưng doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Tuần Châu buộc phía đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày xưa" nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỉ đồng của Công ty DS do không có căn cứ.

Cùng với đó, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Qua các tài liệu, chứng cứ, tòa xác định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh (được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay biến đổi một vài thành tố nào đó) của vở "Ngày xưa".

Tòa yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả hai phía Công ty Tuần Châu và Công ty DS đều làm đơn kháng cáo.

Phía Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Tuần Châu đối với Công ty DS; đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm tuyên kịch bản "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của kịch bản "Ngày xưa" và phần tuyên Công ty Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố.

Phía Công ty DS kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" cho Công ty Tuần Châu.

Theo Gia Linh (Thế Giới Trẻ)