Giải trí

"Ma nữ đại chiến": Trận thư hùng của làng ma Nhật

Hai ma nữ của loạt “Ringu” và “Ju-On”, Sadako và Kayako, đối đầu nhau trong cùng một tác phẩm. Nhưng trận thư hùng ấy còn để lại nhiều dư vị tiếc nuối cho người xem.

Hai ma nữ của loạt “Ringu” và “Ju-On”, Sadako và Kayako, đối đầu nhau trong cùng một tác phẩm. Nhưng trận thư hùng ấy còn để lại nhiều dư vị tiếc nuối cho người xem.
 

Sadako Yamamura là nhân vật trong bộ ba tiểu thuyết Ringu của tác giả Koji Suzuki người Nhật Bản. Năm 1995, “nàng” lần đầu được chuyển thể lên màn ảnh, rồi nhanh chóng trở thành biểu tượng kinh dị của điện ảnh châu Á, và cuối cùng được Hollywood thực hiện lại thông qua hai tập phim có sự tham gia của Naomi Watts.

Sadako nổi tiếng với chiêu “bò ra từ màn hình” từng khiến hàng triệu khán giả không dám nhìn vào TV một thời gian vì quá sợ hãi. Vốn là thiếu nữ bị chết oan dưới giếng sâu và sở hữu năng lực siêu nhiên, linh hồn giận dữ của Sadako tác động lên một cuốn băng video và nguyền rủa bất kỳ kẻ nào vô tình xem phải nó.

Trong khi đó, “đồng nghiệp” của cô là Kayako Saeki thì “sinh sau đẻ muộn” hơn một chút. Lần đầu xuất hiện trong Katasumi and 4444444444(1998) và Ju-On (2000), Kayako cũng mau chóng trở thành hình tượng ma nữ báo thù tiêu biểu của dòng phim kinh dị Nhật Bản.

‘Ma nu dai chien’: Tran thu hung cua lang ma Nhat hinh anh 1
Bộ phim Ma nữ đại chiến có sự góp mặt của hai nhân vật ma hàng đầu Nhật Bản.

Kayako cùng con trai Toshio vốn bị chồng sát hại tại nhà riêng và trở thành hồn ma ám ảnh căn biệt thự. “Nàng” được biết đến với làn da trắng bệch, mái tóc xõa dài, đôi mắt trợn tròn, tứ chi vặn vẹo, trườn bò dưới đất, và tiếng kêu nghe tựa như loài rắn.

Do độ nổi tiếng của Sadako và Kayako mà người hâm mộ từng nhiều lần đặt câu hỏi liệu ai sẽ giành chiến thắng nếu hai “nàng” đụng nhau. Rốt cuộc, cha đẻ của hai tác phẩm, Koji Suzuki và Takashi Shimizu, bắt tay nhau hợp tác để tìm ra câu trả lời.

Dự án ban đầu được công bố đúng ngày Cá tháng Tư 2015 như một trò đùa, nhưng phản ứng tích cực từ công chúng khiến nó chính thức khởi động sau đó bảy tháng.

Trong Sadako vs. Kayako, ngoài hình tượng hai ma nữ quen thuộc, fan của Ringu và Ju-On dễ dàng bắt gặp nhiều tình tiết quen thuộc có ở những bộ phim trước đây.

Đầu tiên là cuốn băng VHS mà Sadako dùng làm mồi nhử nạn nhân xấu số. Lấy bối cảnh nước Nhật thời hiện đại, khi mà Internet nay đã gần “giết chết” DVD, vậy phải làm thế nào để mang cuộn băng tuy huyền thoại nhưng cổ lỗ sĩ trở lại?

‘Ma nu dai chien’: Tran thu hung cua lang ma Nhat hinh anh 2
Nhiều chi tiết quen thuộc trong các bộ phim gốc đều xuất hiện trong Sadako vs. Kayako.

Thật may mắn là tình huống được xử lý rất mượt mà, hợp lý, và thậm chí trở thành “cây cầu” dẫn Sadako từ những tập phim năm xưa tới thế giới hiện đại, mở ra cánh cửa cho các tập phim sau này (nếu có).

Dĩ nhiên, những màn ra tay kinh điển của Sadako cũng được tái hiện: sau khi nạn nhân xem cuốn băng, họ có hai ngày để “chờ chết”. Trước đó, Sadako sẽ “cẩn thận” gọi điện xác nhận nạn nhân. Cuối cùng, khán giả lại được xem thiếu nữ ma quái từ từ bò ra khỏi TV, khiến nạn nhân kinh hoàng mà chết.

Tại ngôi nhà hoang vu ngột ngạt, Kayako, cậu bé ma Toshio và con mèo đen trứ danh vẫn ở đó. Khác với Sadako trầm mặc, hai mẹ con nhà Kayako rất ồn ào với hàng loạt tiếng động ghê rợn. Trong căn nhà cổ với những góc khuất tối tăm mà ánh sáng không thể rọi tới, hai con ma, một già một trẻ, luôn sẵn sàng nhảy ra “xử đẹp” bất cứ vị khách xui xẻo nào.

“Làm nền” cho hai nàng ma nữ là hàng loạt nhân vật con người: ba cô gái xinh xắn không may vướng phải lời nguyền, một vị thầy giáo bắng nhắng có ước mơ được diện kiến Sadako một lần, cặp trừ tà kỳ dị gồm một chàng trai trẻ và một cô bé mù…

‘Ma nu dai chien’: Tran thu hung cua lang ma Nhat hinh anh 3
Các nhân vật con người chỉ làm nền cho hai ma nữ huyền thoại.

Tất cả đều mang cá tính riêng và là mắt xích trong câu chuyện. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, họ vẫn là tuýp nhân vật quen thuộc trong dòng phim kinh dị. Ba cô gái trẻ mắc lời nguyền lẽ ra là trọng tâm câu chuyện, nhưng lại có phát triển tâm lý sơ sài bởi không đủ đất diễn, và rốt cuộc trở nên mờ nhạt.

Điều được trông chờ nhất ở Sadako vs. Kayako chính là cảnh đối đầu giữa hai ma nữ huyền thoại. Khán giả rất nóng lòng muốn biết liệu ai là “trùm cuối” ở thế giới bên kia, và cả hai sẽ làm thế nào để chiến đấu lại kẻ đối địch.

Sự háo hức ấy chính là động lực để khán giả ra rạp, nhưng rốt cuộc trở thành nỗi thất vọng lớn lao. Màn đối đầu giữa hai ma nữ khá ngắn ngủi, giản đơn. Thắng bại được phân rõ quá nhanh mà thiếu đi sự cao trào nhất định.

Có lẽ, những tuyệt chiêu mà hai ma nữ thường hay phô diễn chỉ có tác dụng với người phàm, chứ không đủ ép phê để tạo ra trận đánh hấp dẫn với “đồng loại”.

Trên thực tế, Sadako vs. Kayako còn được gắn mác hài hước. Do đó, tác phẩm chứa đựng nhiều tình huống gây cười, hàng loạt lời thoại mỉa mai… Đôi lúc, phim khiến người xem cảm giác như đang theo dõi Scary Movie phiên bản Nhật Bản, tức phiên bản giễu nhại các tác phẩm kinh dị gốc. Đây có thể coi là một điểm giúp bù đắp cho phần kịch bản lỏng lẻo của toàn bộ bộ phim.

Sadako vs. Kayako (Ma nữ đại chiến) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Theo Đông Bắc (Zing.vn)