Từ thiện là ở cái tâm, dù vài trăm triệu hay cái bánh mì lúc đói, đều đáng quý như nhau cả.
CEO bị chê khi đóng góp hơn 20 triệu từ thiện
Mới đây, L.H - nam CEO và Founder của chuỗi dịch vụ du lịch đã chia sẻ về việc đóng góp 22 triệu đồng để ủng hộ các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử.
Tuy nhiên, khi L.H chia sẻ bảng chụp số tiền mình quyên góp, bỗng một netizen vào "góp ý" sao anh lại đóng góp số tiền không xứng tầm với vị thế CEO của mình.
Người này bình luận: "Em biết hơn 20 triệu là số tiền không nhỏ, cũng rất quý rồi. Nhưng em thấy nó không xứng tầm của anh ạ. Nghệ sĩ người ta toàn ủng hộ cả trăm triệu thôi ạ. Em góp ý vậy thội, chứ không có ý gì".
Mặc dù nói "không có ý gì" nhưng dòng tin nhắn của netizen này đầy phán xét và dường như có ý chê trách L.H quyên góp quá quá ít.
Trước dòng tin nhắn này, L.H đã thể hiện quan điểm của mình: "Mình không kêu ca chứ thực ra bản thân mình cũng bị ảnh hưởng từ bão lũ rất nhiều. Tháng này các mảng kinh doanh của mình đều rất khó khăn, không có khách hoặc khách huỷ dịch vụ gần hết.
Nhưng vì mình vẫn may mắn hơn bao nhiêu người ngoài kia - những người đang mất nhà vì lũ. Vậy nên lá lành đùm lá rách, giúp đỡ được bao nhiêu thì quý bây nhiêu. Dù bạn ấy "không có ý gì" nhưng mình cũng thấy buồn nhiều chút".
"Từ thiện là từ tâm, khó khăn đói rét thì 1 gói lương khô hay 1 manh áo ấm cũng đáng trân trọng"
Bên dưới dòng chia sẻ của L.H, đã có rất nhiều người lên tiếng bênh vực và ủng hộ quan điểm của anh.
Trong đợt bão lũ vừa qua, những ngành dịch vụ ở phía Bắc đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Các chủ homestay lẫn công ty du lịch cũng đang phải gồng gánh các chi phí, tu sửa lại phòng của mình, trả lương cho nhân viên... Rất nhiều chi phí khác đổ dồn lên vai người làm chủ - chứ không phải cứ làm đến CEO là phải đóng góp cả trăm triệu hay tỷ đồng mới xứng tầm.
Việc đóng góp hay từ thiện bao giờ cũng đến từ cái tâm, đừng nên đặt nặng vị thế của người này phải đóng góp bao nhiêu tiền mới xứng tầm. Điều này về lâu dài gây áp lực cho chính những người muốn đóng góp khi sợ bị phán xét, lo rằng số tiền của mình không bằng người khác. Dù là 100.000 đồng, 1 triệu, lên đến cả tỷ đồng... hay dù chỉ là 1 chiếc bánh mì và chai nước lúc đói - đều đáng quý như nhau cả.
Không chỉ đóng góp về tiền, còn nhiều hình thức quyên góp khác như làm bánh chưng, gửi đồ ăn lương thực... Cho nên dân tình cũng đang kêu gọi đừng phán xét và so sánh cách người ta quyên góp. Bởi chúng ta cũng chẳng thể nào biết được đằng sau những đồng tiền quyên góp quý giá đó, cũng là mồ hôi công sức kiếm tiền của người khác.
Một số bình luận nổi bật bên dưới bài chia sẻ của N.H:
- "Chẳng lẽ cứ mang tiếng là doanh nhân, là CEO là phải ủng hộ trăm triệu với tiền tỷ à? Trong khi đó chi phí nuôi nhân viên, nuôi doanh nghiệp, chưa kể đủ thứ các loại chi phí... mà bạn đang phải gánh trên vai. Cái này là mình đang san sẻ cùng với đồng bào dựa theo sức lực của mỗi người chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai cả".
- "Mình thì chỉ đăng lên để mọi người có động lực đóng góp thêm, có bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Mình biết, khi công khai số tiền vừa đóng góp thì người nhà, bạn bè nhìn vô sẽ nghĩ theo chiều hướng khác và người mình không quen biết nhìn vô cũng sẽ nghĩ theo hướng khác nữa. Hướng nào cũng sẽ gây thiệt về mình nên mình quyết định che lại ạ".
- "Có gì đâu mà buồn, tháng này mình thất nghiệp chứ không mình cũng muốn đóng góp cho đồng bào đây nè. Ai nói gì kệ thôi bạn ạ, có khi có người còn chẳng giúp được mấy, ngoài việc săm soi số tiền đóng góp. Giúp đỡ trong khả năng của mình là điều đàng tự hào rồi".
- "Ủng hộ từ cái tâm chứ sao đòi tương xứng với cái tầm. Câu nói mang tiếng không có ý gì, nhưng đầy vẻ phán xét và mong người ta đi theo hướng của mình. Không việc gì phải buồn đâu anh ạ. Mình đóng góp được bao nhiêu đều quý hết".
- "Đóng góp bao nhiêu là quyền của người ta, xuất phát từ tâm và từ khả năng tài chính của họ. Chứ tiền có phải là giấy, là lá ngoài đường đâu mà ủng hộ bất chấp? Ai có nhiều ủng hộ nhiều, ít thì ủng hộ ít. Số tiền đó cũng phải trầy trật mãi mới kiếm được mà".
- "Từ thiện là từ tâm. Lúc khó khăn đói rét thì 1 gói lương khô hay 1 manh áo ấm cũng đáng trân trọng. Chỉ mong những "góp ý" toxic kia nên dừng lại. Nếu không thể làm người tử tế xin hãy làm người bình thường".
Theo Mây (Thanh Niên Việt)