Chuyên gia phong thủy chia sẻ thông tin về khung giờ vàng cúng rằm tháng 7 âm lịch và những tuổi kiêng kị theo từng ngày.
Tháng 7 âm lịch năm 2024 kéo dài từ ngày 4/8 (mùng 1) đến hết ngày 2/9 (30/7 âm lịch). Rằm tháng 7 là một trong những dịp quan trọng, còn được biết đến với tên gọi là lễ Vu Lan hay lễ Xá tội vong nhân.
Theo chuyên gia phong thủy, năm nay, ngày chính Rằm (tức 18/8 dương lịch) được coi là ngày đẹp nhất. Ngày này có những khoảng thời gian gia chủ có thể chọn để dâng lễ: 7h - 9h, 9h - 11h và 13h - 15h. Tuy nhiên, ngày Giáp Dần không thích hợp với người tuổi Tỵ, Thân và người có năm sinh âm lịch tận cùng là số 8 là 1948, 1958, 1968, 1978, 1988, 1998, 2008 và 2018.
Một số ngày khác cũng được cho là đẹp, các gia đình chọn cho phù hợp với mình:
Ngày 11.7 âm lịch (tức 14.8 dương lịch), các gia đình nên sắp xếp cúng buổi sáng vào các khung giờ gồm 7h-9h, 9h-11h và 15h-17h chiều. Ngày Canh Tuất sẽ kị các tuổi Sửu, Thìn, Mùi và những người có năm sinh âm lịch tận cùng số 4 như 1944, 1954, 1964, 1974, 1984, 1994, 2004, 2014.
Ngày 12.7 âm lịch (tức 15.8 dương lịch), giờ cúng buổi sáng từ 7h-9h và chiều từ 13h-15h. Ngày Tân Hợi kị các tuổi Tỵ, Thân và người có năm sinh âm lịch tận cùng là số 5, gồm 1945, 1955, 1965, 1975, 1985, 1995, 2005, 2015.
Ngày 13.7 âm lịch (tức 16.8 dương lịch), gia chủ nên cúng buổi sáng từ 5h-7h và chiều từ 15h -17h, 17h - 19h. Đây là ngày Nhâm Tý, những tuổi Mão, Ngọ, Dậu và tuổi có năm sinh âm lịch tận cùng là số 6 như 1946, 1956, 1966, 1976, 1986, 1996, 2006, 2016 không thích hợp để cúng bái.
Ngày 14.7 âm lịch (tức 17.8 dương lịch) sẽ ưu tiên cúng từ 5h-7h, 9h-11h và 15h-17h. Với ngày Quý Sửu, các tuổi kị gồm Thìn, Mùi, Tuất và người có năm sinh âm lịch tận cùng là số 7, gồm 1947, 1957, 1967, 1977, 1987, 1997, 2007, 2017.
Ngày Rằm tháng 7 năm 2024 gồm những lễ cúng nào?
Giáo lý nhà Phật có ghi, Rằm tháng 7 thường gồm 4 lễ cúng, thứ tự như sau:
Thứ nhất là lễ cúng Phật
Thứ nhì là lễ cúng thần linh
Thứ ba là lễ cúng gia tiên
Thứ tư là lễ cúng thí thực cô hồn
Trình tự tiến hành nghi lễ thờ cúng tốt nhất nên là:
Các gia đình có thể lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã khuất vào ban ngày. Sau đó về nhà sửa soạn mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật và gia tiên, tiếp theo đó đến lễ cúng thí thực.
Với lễ cúng cô hồn, nên đặt mâm lễ cúng cô hồn ngoài sân, không đặt ở bậu cửa. Nếu không muốn cúng cô hồn tại nhà, có thể cúng tại chùa. Tuy nhiên dù chọn giờ nào thì việc cúng cô hồn đều phải diễn ra trước 12 giờ trưa ngày 15/7 âm, trước thời điểm cửa địa ngục đóng lại.
Rằm tháng 7 cúng Vu Lan báo hiếu tổ tiên cha mẹ nên cúng chay hay cúng mặn?
Việc cúng Vu Lan báo hiếu tổ tiên cha mẹ bằng lễ vật chay hay mặn tùy thuộc vào tập tục mỗi địa phương hay quan niệm mỗi gia đình.
Nhưng cần nhớ, lễ chay hay mặn không quan trọng bằng lòng thành của con cháu.
Lễ cúng xong thì con cháu thụ hưởng, có gì hưởng nấy, chứ không phải cứ cúng linh đình thì mới là được ông bà tổ tiên phù hộ.
Dân gian thì tin rằng Rằm tháng 7 nên cúng chay hay việc ăn chay tháng cô hồn để chính người còn sống cảm nhận sự thanh tịnh về tâm hồn, để người đã khuất không còn tham sân si mà lưu luyến phàm trần, từ đó sớm giải trừ nghiệp, vãng sinh vào cõi cực lạc.
Tuy nhiên nhiều nơi không có thói quen dùng lễ chay, ăn chay nên việc cúng đồ mặn cũng không sao. Có điều, cần chủ trương tránh cúng lễ quá linh đình lãng phí, rồi nhậu nhẹt say sưa, ăn uống triền miên.
Rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã hay không?
Không ít người cho rằng dịp Rằm tháng 7 âm cứ đốt nhiều vàng mã, cúng lễ linh đình thì người thân đã khuất sẽ nhận được nhiều hơn do đây là thời điểm được Diêm Vương mở cửa địa ngục.
Hơn thế, tháng 7 là mùa Vu Lan hiếu hạnh, nên nhiều người mà cha mẹ đã khuất có tâm lý rằng càng dâng cúng nhiều thì cha mẹ càng nhận được nhiều.
Thế nên ở nhiều nơi, cứ đến dịp Rằm tháng 7 thì nhiều gia đình đốt vàng mã nghi ngút, làm cỗ mặn linh đình để con cháu tụ họp ăn uống. Điều này là không nên.
Giáo hội Phật giáo khuyến cáo không đốt vàng mã
Đốt vàng mã là tập tục dân gian và lâu dần bị mất ý nghĩa ban đầu trở thành mê tín.
Ngày nay giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần ra thông bạch lưu ý việc không đốt vàng mã vì đó không phải tinh thần Phật giáo. Việc đốt vàng mã cũng không có lợi gì cho người đã khuất mà còn gây nguy hiểm, gây tăng nguy cơ hỏa hoạn cháy nổ.
Cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn thành kính, báo hiếu cha mẹ chính là phát tâm hồi hướng cho họ.
Cả khi còn sống hay khi đã khuất thì con cháu nên làm nhiều việc tốt, tích đức, sống thiện lành để hồi hướng công đức cho cha mẹ, người thân, khi họ còn sống thì chăm sóc chu đáo, giữ nhà cửa yên ấm hòa thuận, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
PN (SHTT)