Chị Linh thuê mảnh đất 800m2 ở Mộc Châu, rồi bắt tay vào cải tạo, dựng nhà vườn theo phong cách đồng quê châu Âu, xung quanh trồng nhiều loài hoa và rau trái xanh tốt, làm chốn “chữa lành” đẹp như mơ.
Cách đây 2 năm, sau vài biến cố trong cuộc sống và áp lực từ công việc văn phòng, chị Phạm Diệu Linh (SN 1994, quê Tuyên Quang) quyết định rời Hà Nội lên Mộc Châu làm nhà vườn chữa lành, sống gần gũi thiên nhiên.
Tại đây, chị thuê mảnh đất của một người quen với giá 20 triệu đồng/năm, nằm ở Bản Áng, cách trung tâm thị trấn Mộc Châu khoảng 4km.
Trên mảnh đất có sẵn căn nhà mà chủ cũ để lại, rộng 200m2. Khi nhận bàn giao, công trình đã xuống cấp. Các phần tường bong tróc từng mảng, ngói vỡ nát, phía trước cỏ mọc um tùm.
Thấy kết cấu nhà vẫn còn chắc chắn, chị Linh tu sửa lại, giữ nguyên khung ban đầu, thay phần mái hỏng bằng tôn lạnh, làm trần nhựa thả với mức giá hợp lý. Bên trong, chị thuê thợ trát nốt phần tường dang dở từ trước và phía ngoài.
Chị Linh thừa nhận, quá trình cải tạo nhà khá vất vả. Chị tự lên ý tưởng thay vì thuê đơn vị thiết kế, tự học cách sơn tường, may rèm hay trang trí phòng. Mẹ và em trai cũng lên Mộc Châu phụ giúp, đóng cửa gỗ, bàn bếp và dựng hàng rào.
Với những công việc đòi hỏi chuyên môn của thợ xây và thợ làm mái, chị Linh vẫn phải thuê người. Tuy nhiên, vì không có bản vẽ thiết kế, ý tưởng hoàn toàn truyền đạt bằng miệng nên thợ địa phương nhiều khi không hiểu hết ý.
Chưa hết, khi nhà cải tạo được một nửa thì dịch Covid-19 bùng phát, thợ thay nhau nghỉ do nhiễm bệnh, trong khi giá vật liệu lại leo thang khiến quá trình thi công liên tục bị gián đoạn.
Thời điểm gần hoàn thiện, chị Linh còn phải thức đêm khâu tay chiếc rèm khổ rộng, ngăn giữa phòng khách và khu vệ sinh.
Sau nửa năm, khu nhà ở được cải tạo xong với diện mạo mới, thiết kế theo phong cách nhà vườn với tông chủ đạo là trắng, xanh bạc hà và nâu gỗ, gồm: 4 phòng ngủ được sắp đặt theo chủ đề xuân, hạ, thu, đông; 1 bếp ăn và phòng khách.
Trong bếp, thay vì sử dụng hệ tủ trên, chị Linh dùng kệ mở để bày đồ trang trí sưu tầm được hoặc đồ thủ công tự làm.
Ngoài ra, chị Linh còn phân chia mảnh đất thành các khu vực với đủ công năng, như khu trồng hoa tô điểm cảnh quan thêm đẹp mắt, khu trồng rau có diện tích chừng 600m2 để chủ động nguồn thực phẩm sạch mỗi ngày.
Để thuận tiện chăm sóc và đảm bảo năng suất, chị Linh ưu tiên trồng rau theo mùa, mùa nào thức nấy.
“Ví dụ, mùa đông, thời tiết lạnh, mình trồng các loại rau như: Súp lơ, cải cầu vồng, cải mèo, bắp cải… Còn mùa hè nắng nóng, mình ưu tiên các giống cây dễ chăm, nhanh cho thu hoạch như: Cà chua, ớt chuông, rau muống, mùng tơi…”, chị nói.
Hàng ngày, chị dành ít nhất 1-2 tiếng để chăm sóc vườn rau. Khu vườn được trang bị hệ thống tưới nước tự động giúp gia chủ tiết kiệm thời gian và công sức mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm cho rau.
Chị Linh tiết lộ, trong 6 tháng vừa làm nông, vừa tham gia xây dựng, chị sụt 4kg, người đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng. Nhà hoàn thiện với chi phí đội lên hơn 200 triệu đồng, vượt mức dự trù, song chị thấy hài lòng và tin vào giá trị mà nơi ở mới mang lại.
Điều đầu tiên chị cảm nhận rõ nhất là chất lượng sống được cải thiện. Nhà ở rộng rãi hơn, thực phẩm tự cung tự cấp nên đảm bảo an toàn với sức khỏe.
Chị cũng học cách nấu nướng, làm các món ăn dinh dưỡng từ rau củ trong vườn hay chế thuốc sâu từ thảo dược, tận dụng rác thải nhà bếp làm phân vi sinh, bổ sung dinh dưỡng cho vườn, cho đất.
“Không gian sống có ý nghĩa rất lớn, là nơi mình tìm lại được những giây phút bình yên, được làm công việc mình thích, tuy vất vả nhưng hạnh phúc.
Để cải tạo lại ngôi nhà cũ và khu vườn, mình đã dồn rất nhiều tâm huyết nên coi homestay này như đứa con tinh thần, dành trọn yêu thương”, chị Linh bày tỏ.
Ảnh, video: Linh Phạm
Theo Thảo Trinh (VietNamNet)