Kinh tế

Bị mất sổ đỏ, làm lại có dễ dàng?

Rơi vào tình trạng mất sổ đỏ, nhiều người lo ngại về thủ tục cấp lại sổ mới cũng như thời gian nhận lại sổ.

Bị mất sổ đỏ, làm lại có dễ dàng?

Theo Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khi bị mất sổ đỏ người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại.

Quy trình được thực hiện như sau:

Một, hộ gia đình, cá nhân có sổ đỏ bị mất phải khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất về việc bị mất sổ đỏ.

Hai, sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm niêm yết thông báo mất sổ đỏ.

Ba, sau khi 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo, hộ gia đình, cá nhân bị mất sổ đỏ nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại sổ đỏ.

Thủ tục làm lại sổ đỏ bị mất như thế nào?

Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ do bị mất, bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;

- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân;

Giấy tờ chứng minh đã đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương về việc mất Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, cá nhân nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư;

Trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.

Ngoài vấn đề mất sổ đỏ phải làm sao, thủ tục cấp lại thế nào thì thẩm quyền cấp lại sổ đỏ cũng là vấn đề pháp lý mà người thực hiện thủ tục cấp lại sổ đỏ đặc biệt quan tâm.

Cơ quan có thẩm quyền cấp lại sổ đỏ được quy định tại Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Theo quy định này, thẩm quyền cấp lại sổ đỏ được phân định dựa trên căn cứ địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai. Thông thường, cơ quan có thẩm quyền cấp lại sổ đỏ bị mất cho hộ gia đình, cá nhân có thể là Sở Tài nguyên và Môi trường (nếu địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu địa phương chưa có văn phòng đăng ký đất đai).

Cụ thể như sau: Đối với địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì thẩm quyền cấp lại sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đối với địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì thẩm quyền cấp lại sổ đỏ được phân chia như sau: Sở Tài nguyên và Môi trường cấp lại sổ đỏ cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, hoặc tổ chức/cá nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm và thẩm quyền cấp lại sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Theo Triệu Vương (Nhịp Sống Thị Trường)




https://markettimes.vn/bi-mat-so-do-lam-lai-co-de-dang-45984.html