Kinh tế

Giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít?

Giá dầu thế giới chạm ngưỡng kỷ lục trong gần 14 năm qua, vì vậy theo tính toán của các chuyên gia, khả năng giá xăng có thể tăng lên tới khoảng 30.000 đồng/lít nếu thuần theo thị trường.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/3 trên sàn hàng hóa New York, dầu WTI của Mỹ tăng hơn 3,8% giá trị, lên 120 USD/thùng. Trong khi dầu Brent tăng 4,7%, chốt phiên ở gần 124 USD/thùng.

Trước đó, trong đầu phiên giao dịch, giá của cả 2 loại dầu này đều tăng tới hơn 130 và 139 USD/thùng, cao nhất từ tháng 7/2008.

Theo các chuyên gia, diễn biến trên thị trường dầu mỏ phản ánh mối lo ngại của các nhà đầu tư trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu và các mặt hàng năng lượng khác từ Nga.

Trước xu hướng dầu thô tăng giá mạnh, trao đổi với Lao động, ông Minh - một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, với giá thế giới hiện nay, kỳ điều chỉnh tới (11.3) có thể tăng mạnh. Việc giá trong nước còn khoảng cách khá xa so với giá thế giới hiện nay sẽ càng khiến việc kinh doanh mặt hàng này khó khăn.

Tương tự, một thương nhân đầu mối xăng dầu nhấn mạnh, Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần báo cáo phương án với Thủ tướng, nếu được giảm thuế thì cũng cần làm ngay. "Còn chần chừ gì nữa. Giá xăng sắp lên 30.000 đồng một lít, dân chịu sao nổi", vị này nói và tính toán, giá thế giới tăng 10%, thì giá về đến Việt Nam (khi cộng các loại phí, thuế) sẽ thành 15%; tương đương mức tăng khoảng 3.000 đồng một lít xăng.

Lúc đó, giá xăng vùng 1 chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, còn vùng 2 đã vượt hơn 2%.

"Thuế môi trường phải giảm ít nhất 2.000 đồng/lít, cùng với xả Quỹ bình ổn, thì mới giữ được mặt bằng giá như hiện nay", vị thương nhân này nêu quan điểm.

Giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít?
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Đồng quan điểm, trên Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Saigon Petro cho biết sau kỳ điều chỉnh giá 1-3 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn lỗ 2.300 đồng/lít xăng, khoảng 3.700 đồng/lít dầu. Trong khi hiện giá dầu thô đã tăng mạnh nên kỳ điều hành tới chắc chắn giá xăng dầu phải tiếp tục tăng cao. Vị này ước tính trung bình giá dầu thô tăng 10 USD/thùng, giá xăng trong nước sẽ tăng tương ứng khoảng 2.000 đồng/lít.

Đại diện một thương nhân đầu mối khác cho hay từ sau kỳ điều chỉnh ngày 1-3, giá dầu thế giới từ quanh ngưỡng 100 USD/thùng, sau 7 ngày có thời điểm chạm mốc 140 USD/thùng. Tức là chỉ riêng trong một phiên, giá dầu thô đã tăng tới 18%. Với mức giá như vậy, hiện giá cơ sở được các doanh nghiệp bán trên thị trường đang chênh lệch lớn với giá xăng dầu thành phẩm, trung bình trên 3.000 đồng/lít (giá xăng từ E5RON92 đến RON95-V của Petrolimex hiện đã từ 26.070 đến trên 27.300 đồng/lít). Do đó, giá kỳ điều hành tới có thể phải tăng lên mức tương ứng, tức xăng sẽ trong khoảng 30.000 đồng/lít nếu không có công cụ can thiệp đủ sức nặng như giảm thuế.

"Hiện cứ mỗi tàu xăng dầu được nhập về, chúng tôi đã lỗ 30 - 40 tỉ đồng, nguy cơ cả hệ thống gãy đổ vì giá xăng trong nước không theo kịp giá thế giới. Chúng tôi cố gắng duy trì nhưng chắc không được bao lâu, chỉ mong giá cao, hàng thiếu thì người dân tiêu dùng tiết kiệm hơn", vị này chia sẻ trên Tuổi Trẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công thương cho hay tổ điều hành liên bộ vẫn đang bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành linh hoạt, phù hợp. Tổ điều hành liên bộ đã họp và trường hợp giá biến động mạnh, sẽ xin ý kiến Chính phủ về phương án điều hành giá cho phù hợp khi số dư còn lại của quỹ bình ổn chỉ là 620 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh không bình tĩnh như vậy. Lãnh đạo một đầu mối xăng dầu phía Nam nhấn mạnh chỉ trong một tuần qua, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore đã tăng 35%. Chiếu theo nghị định 95 là khi giá tăng trên 10%, Nhà nước có thể điều hành giá sớm thay vì chờ đủ 10 ngày.

"Tuần này nếu để tới 11-3 mới điều hành tôi tin sẽ có nhiều cây xăng đóng cửa, đợt này lỗ kinh lắm, còn hơn cả đợt sau Tết vì giá tăng nhanh quá. Do đó để cắt lỗ cho doanh nghiệp, cần điều hành giá sớm hơn chu kỳ thời gian qua", vị này nói.

Bộ Công Thương gần đây đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường.

Để giảm bớt áp lực giá xăng, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500 đồng đến 1.000 đồng trên mỗi lít xăng, dầu cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, mức giảm này, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp là "ít ỏi và không nhiều ý nghĩa".

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/gia-xang-co-the-len-toi-30000-donglit-tintuc813049