Kinh tế

Liên tiếp bán cảng biển, Vinalines có xóa được nợ?

Ngay sau thành công của việc bán cảng Hải Phòng, Vinalines bán tiếp cảng Nghệ Tĩnh và đang được giới đầu tư chú ý.

Ngay sau thành công của việc bán cảng Hải Phòng, Vinalines bán tiếp cảng Nghệ Tĩnh và đang được giới đầu tư chú ý.
Theo đó tờ TBKTSG đưa tin, trong tháng đầu tiên của năm 2015, cảng Nghệ Tĩnh bán hết 3,89 triệu cổ phần ngay trong lần bán đấu giá đầu tiên ra công chúng (IPO).
 
Tại TPHCM việc IPO cảng Cần Thơ cũng đang diễn ra. Hiện tổng số lượng cổ phần đưa ra đấu giá của cảng này là 13,6 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá có đến 16 nhà đầu tư tham gia, trong đó có đến tám nhà đầu tư cá nhân nước ngoài nhưng chỉ bán được có 27.200 cổ phần (tương đương khoảng 0,2% trên tổng số 13,6 triệu cổ phần chào bán).
 
Trước đó, trong năm 2014, Vinalines đã IPO một loạt các cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang nhưng đều rơi vào cảnh ế ẩm.
 
Theo kế hoạch của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vào ngày 2/2 tới, tổng công ty này sẽ tiếp tục chào bán 13,2 triệu cổ phần (tương đương 21,08% vốn điều lệ) cảng Đà Nẵng, với giá khởi điểm 12.000 đồng/cổ phần (trước đó kế hoạch này dự tính diễn ra hôm 19-1).
 
Nếu bán hết toàn bộ số cổ phần này, Vinalines sẽ thu về gần 160 tỉ đồng. Trước đó, cảng Đà Nẵng đã IPO, song chỉ bán được hơn 1,6 triệu cổ phần.
 
Ngày 28/1, một cảng khác cũng sẽ được IPO là cảng Năm Căn (Cà Mau). Số cổ phần chào bán là 395.200 cổ phần (tương đương 49,4% vốn điều lệ). Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.
 
Rút kinh nghiệm từ thất bại của những đợt IPO trong năm 2014, là nếu Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn sau cổ phần hóa (75%) tại nhiều cảng thì nhà đầu tư không mặn mà. Lần này, Vinalines đã xin Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ xuống còn 51%. Chính phủ đã đồng ý.
 
Ngay khi Chính phủ đồng ý điều này, khá nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến đợt chào bán cổ phần tiếp theo của các cảng.
 
Theo một nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải, những cảng bị ế trong đợt bán lần đầu như cảng Hải Phòng, Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng đang nhận được sự đeo bám khá sát sao của các nhà đầu tư.

Việc bán cổ phẩn các cảng biển đang được Vinalines khẩn trương thực hiện

Số nợ khủng
 
Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2012, dư nợ công ty mẹ phải trả tại các tổ chức tín dụng là 321 triệu USD, tương đương gần 6.690 tỷ đồng tài thời điểm đó.
 
Bên cạnh các chủ nợ ngân hàng là Vietcombank (348 tỷ), Vietinbank (862 tỷ), Citibank (173 tỷ), Vinalines còn cho biết có nợ trái phiếu 1.175 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Khoản trái phiếu phát hành năm 2010 này hiện có trái chủ là 4 nhà băng: Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank.
 
Số nợ nêu trên chủ yếu được Vinalines đầu tư vào các dự án cảng, mua sắm tàu, đặc biệt trong giai đoạn phát triển nóng (2007 - 2008). Sự đi xuống của thị trường vận tải biển giai đoạn sau đó đã khiến tổng công ty gánh lỗ từ chính những dự án này.
 
Riêng trong năm 2012, Vinalines cho biết toàn hệ thống có nghĩa vụ trả tổng cộng hơn 6.275 tỷ đồng tiền nợ. Trong điều kiện khó khăn về khả năng thanh toán, tổng công ty này chỉ có thể trả trước 2.050 tỷ, còn lại "xin tái cơ cấu".
 
Vào cuối năm 2014 trong một văn bản do Tổng giám đốc Vietinbank gửi Vinalines đầu năm nay, phần Vinalines còn vay nợ Vietinbank là trên 5.000 tỷ đồng, nằm trong top các khách hàng có dư nợ lớn nhất tại ngân hàng.
 
Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý chủ trương để Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Vinalines.
 
Theo chủ trương này, Vietinbank được chuyển số nợ vay của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hóa. Chủ trương này áp dụng với Công ty Cảng Hải Phòng và Công ty Cảng Đà Nẵng.
 
>> Bán Cảng Hải Phòng, Vinalines muốn “tiền tươi” hơn trừ nợ
 
Theo Phương Nguyên (Đất Việt)