Kinh tế

Nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn

“Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP”.

“Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP”. Đó là trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới gửi đến ĐB Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về tình hình nợ công.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc. Ảnh: HẢI NGUYỄN

 
Việc trả nợ công vẫn đầy đủ và đúng hạn.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm xuống còn khoảng 5,8%/năm.

Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%. Từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ.

Trước thực trạng này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP.

Theo Thủ tướng, việc trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn.

Giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

Thủ tướng cũng nhìn nhận là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỉ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỉ trọng lớn; tỉ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao.

Thủ tướng khẳng định, nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch; rà soát, phê duyệt chặt chẽ danh mục sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật; chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.

Trước đó, ĐB Hà Sỹ Đồng đã gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ: Trong báo cáo đầu kỳ họp Quốc hội thứ 8, Thủ tướng có đánh giá nợ công tăng nhanh và khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn theo quy định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nợ công đã chạm trần và trong vài năm tới có thể vượt trần, lo ngại về hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ. Xin Thủ tướng cho biết thực tế nợ công, tình hình sử dụng và trả nợ như thế nào? Thời gian tới Chính phủ có giải pháp gì để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công?
 
Theo Xuân Hải (Lao Động)