Kinh tế

Thép Pomina lại lỗ 'khủng', giá cổ phiếu rẻ hơn rau

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Pomina lỗ 252 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Giá cổ phiếu POM chỉ còn hơn 5.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn rau.

POM lỗ nặng, nợ tăng

CTCP Thép Pomina vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2019. Theo đó, Pomina lỗ gần 120 tỷ đồng trong quý 3, số lỗ lũy kế lên đến 252 tỷ đồng. Đáng nói, Pomina đã có 3 quý lỗ liên tiếp. Giá cổ phiếu POM ngày 5/11/2019 chỉ còn 5.600 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn 1 kg rau ngoài chợ.

Theo POM, yếu tố quan trọng khiến công ty lỗ nặng trong quý 3/2019 là chi phí tài chính tăng mạnh, đạt gần 100 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so cùng kỳ năm trước. Pomina đang vay tiền để đầu tư dự án tôn mạ màu và đã hoạt động vào tháng 4/2019, còn dự án lò cao và dự án cán phải chuyển sang năm 2020. Ngoài ra, Pomina cho biết trong hệ thống đang có 1 nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị, dẫn đến sản lượng hàng bán giảm. Pomina đã khắc phục sự cố, bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10 vừa qua.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, POM đạt 9.151 tỷ đồng doanh thu và lỗ 252 tỷ đồng. So với kế hoạch 13.500 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận năm 2019, kết quả đạt được của doanh nghiệp này còn rất xa so với mục tiêu.

Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Pomina đạt gần 11.350 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó các khoản nợ vay tài chính ngắn hạn đạt 5.152 tỷ đồng, giảm 110 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, khoản vay dài hạn đạt 1.466 tỷ đồng, tăng mạnh đến 627 tỷ đồng so với đầu năm.

Doanh nghiệp kém minh bạch sẽ bị đào thải?

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt, 2019 là năm tái cấu trúc và thanh lọc của ngành thép. Do thị trường có nhiều biến động, nên doanh nghiệp nào có nền tảng vững chắc và quản trị doanh nghiệp minh bạch sẽ tồn tại, còn lại sẽ bị phân loại rõ rệt.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng bán hàng toàn ngành đạt hơn 17 triệu tấn, tăng hơn 8%. Trong khi cùng kỳ năm 2018, sản lượng bán hàng tăng trưởng gần 24%. Tức tăng trưởng bán hàng năm nay rất chậm, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm rồi.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại của ngành thép phần nhiều đến từ sự hạ nhiệt của thị trường bất động sản. Đồng thời, giá các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá quặng sắt, biến động rất mạnh. Có lúc giá quặng chứa 62% sắt đã lên đến 120 USD/tấn, tăng 66% so với thời điểm đầu năm. Đến tháng 8 năm nay, giá quặng sắt đã giảm về mức 90 USD/tấn. Tuy nhiên, dự báo giá quặng sắt vẫn sẽ ở mức cao 90-95 USD/tấn trong thời gian tới.

Thép Pomina lại lỗ 'khủng', giá cổ phiếu rẻ hơn rau
Ngành xây dựng và thị trường bất động sản đi xuống đã ảnh hưởng rất lớn đánh các doanh nghiệp thép

Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp ngành thép trên sàn chứng khoán có quy mô nhỏ vướng phải cảnh lao đao. Như mới đây CTCP Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) phải đóng cửa nhiều chi nhánh, bán nhà máy và chuyển nhượng nhiều dự án. Điển hình là việc chuyển nhượng Nhà máy Nam Kim 1 (P. An Thạnh, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho Công ty TNHH Sứ Kỹ thuật Minh Long 2. Đặc trưng của Thép Nam Kim là sản phẩm tôn mạ, quy trình sản xuất không quá phức tạp. Khi giá nguyên liệu biến động, kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim lập tức bị tác động nặng nề.

Nói vậy không phải cứ doanh nghiệp lớn là hoàn toàn minh bạch. Điểm khiến nhà đầu tư lo nhất ở CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) hiện nay không phải là chạy đua tăng sản lượng bán ra, mà ở năng lực quản trị doanh nghiệp. Giao dịch với các công ty liên quan tới chủ tịch Lê Phước Vũ thường chiếm 20% tổng doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen. Đứng trước khó khăn của ngành thép, Tập đoàn Hoa Sen phải cắt giảm chi phí, giảm nợ, và đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống chi nhánh bán lẻ. Tập đoàn Hoa Sen cho rằng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống phân phối có thể giúp lợi nhuận tăng trưởng 22% nhưng thực tế, lãi sau thuế của tập đoàn cũng đi xuống 11% trong niên độ 2018-2019 (ngày 1/10/2018 - 30/9/2019).

Ngoài ra, Pomina dù lên sàn khá lâu nhưng lại khiến nhà đầu tư mù mờ thông tin. Pomina do Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thép Việt nắm hơn 53% cổ phần, gần 40% khác đều do người nhà của ban lãnh đạo Pomina nắm giữ. Nói cách khác, ngoài phần sở hữu ở Thép Việt, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thép Việt, cũng chi phối gần như toàn bộ POM. Hoạt động kinh doanh được những người trong gia đình điều hành nên khiến nhà đầu tư bên ngoài khó lòng hiểu được.

Theo Hoàng Yến (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/thep-pomina-lai-lo-khung-gia-co-phieu-re-hon-rau-d78858.html