Kinh tế

Từ ngày 1/7, tăng lương cơ sở mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình thay đổi như thế nào?

Từ ngày 1/7/2023, tăng lương cơ sở được điều chỉnh lên 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng và chế độ bảo hiểm y tế cũng được điều chỉnh theo mức tăng lương cơ sở.

Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP

Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì tiền lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023. Do đó, mức tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng thêm hơn 20,8% cho phù hợp với mức lương cơ sở mới.

Ngoài việc tăng lương cơ sở như trên, các khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức cũng được điều chỉnh tăng thêm hơn 20,8% cho phù hợp với mức lương cơ sở mới.

Đối tượng áp dụng tăng lương cơ sở

Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Điều 1 24/2023/NĐ-CP bao gồm:

- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008.

- Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật cán bộ, công chức 2008.

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức 2010.

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP và Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Từ ngày 1/7, tăng lương cơ sở mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình thay đổi như thế nào?
Từ ngày 1/7/2023, tăng lương cơ sở lên mức 1.800.000 đồng/tháng. Ảnh: TL

Tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình thay đổi như thế nào?

Hiện nay, chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí. Như vậy, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.

Nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 270.000 đồng thì được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí. Như vậy, mức chi phí này tăng 46.500 đồng so với trước ngày 1/7/2022.

Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình theo mức lương cũ

Tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình được quy định như sau:

Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở;

Người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở);

Người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở);

Người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở);

Người thứ năm trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).

Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình theo mức tăng  lương cơ sở

Từ 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình được thay đổi theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP như sau:

Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng; 972.000 đồng/năm (trước ngày 1/7: 67.050 đồng/tháng; 804.600 đồng/năm);

Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng; 680.400 đồng/năm (trước ngày 1/7: 46.935 đồng/tháng; 563.220 đồng/năm);

Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng; 583.200 đồng/năm (trước ngày 1/7: 40.230 đồng/tháng; 482.760 đồng/năm);

Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng; 486.000 đồng/năm (trước ngày 1/7: 33.525 đồng/tháng; 402.300 đồng/năm);

Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng; 388.800 đồng/năm (trước ngày 1/7: 26.820 đồng/tháng; 321.480 đồng/năm).

Từ ngày 1/7, tăng lương cơ sở mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình thay đổi như thế nào? - 1
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình thay đổi theo mức tăng lương cơ sở.

Lương cơ sở là gì?

Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương của các cán bộ, công chức, viên chức... trong các bằng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác. Ngoài ra, lương cơ sở còn dùng để tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP có quy định về lương cơ sở làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với đối tượng theo quy định. Đồng thời, dùng để tính mức sinh hoạt phí, hoạt động phí theo quy định và tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Nguyên tắc để áp dụng tính lương cơ sở

Để tính và áp dụng mức lương cho người lao động thì cần dựa vào mức lương cơ sở và hệ số lương của các đối tượng. Mức lương cơ sở được áp dụng theo chu kỳ khác nhau và có thể dựa vào chỉ số giá tiêu dùng hiện tại và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thì mức lương cơ sở sẽ có những sự thay đổi nhất định nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu đời sống của mọi người.

Khác với lương cơ sở thì nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng sẽ quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng.

Việc áp dụng địa bàn vùng sẽ được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất; Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi chính phủ có quy định mới; Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn còn nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất; Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 1/7, tăng lương cơ sở mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình thay đổi như thế nào? - 2
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương của các cán bộ, công chức, viên chức...

Mức lương cơ sở năm 2023 là bao nhiêu?

Có hai mức lương cơ sở được áp dụng trong năm 2023:

- Từ ngày 1/1/2023 - 30/6/2023 thì mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/ tháng;

- Từ ngày 1/7/2023 thì mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo quy định thì cách tính mức lương cơ sở thể căn cứ vào:

- Căn cứ vào mức lương cơ sở qua các năm;

- Căn cứ vào mức lương cơ sở thấp nhất: Có nhiều các mức lương cơ sở khác nhau có thể dựa theo thâm niên hoặc vào từng ngạch, chức vụ khác nhau.

- Căn cứ vào mức lương cơ sở cao nhất. 

Theo L.Vũ (Giadinh.suckhoedoisong.vn)




https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-ngay-1-7-tang-luong-co-so-muc-dong-bao-hiem-y-te-ho-gia-dinh-thay-doi-nhu-the-nao-172230617221117264.htm