Kinh tế

Vì sao giá xăng dầu chỉ giảm 'nhỏ giọt'?

Chờ đổ xăng lâu sốt ruột, anh khách vác dao rượt đuổi khiến nhân viên chạy té khói

Sau bốn phiên liên tiếp tăng giá, xăng đã quay đầu giảm giá nhẹ, chỉ ở mức 80 đồng/lít đối với xăng RON95 và 40 đồng/lít đối với xăng RON92.

Từ 15h chiều 21/11, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá xăng RON95-III giảm 80 đồng/lít, xuống mức 23.787 đồng/lít, còn giá xăng RON92 giảm 40 đồng/lít, xuống mức 22.671 đồng/lít.

Tương tự, dầu diesel 0.05S giảm thêm 182 đồng/lít, xuống còn 24.801 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 107 đồng/lít, xuống mức 24.640 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 25 đồng/kg, lên 14.785 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành hôm nay, liên bộ ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut 300 đồng/lít (kg).

Lý giải việc xăng dầu chỉ giảm giá nhẹ, Dân Trí dẫn lời cơ quan quản lý, cho biết thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 11/11 đến 21/11) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và thị trường vẫn tiếp tục theo dõi các động thái chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)…

Vì sao giá xăng dầu chỉ giảm 'nhỏ giọt'?
Ảnh min họa: Internet

Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm đối với xăng RON 95, xăng RON 92, dầu hỏa và diesel, riêng dầu mazut tăng nhẹ.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá là 95 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 0,6% so với kỳ trước); 100,8 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 0,4 USD/thùng, tương đương giảm 0,4% so với kỳ trước).

Mặc khác, trước ý kiến cho rằng việc tiếp tục trích lập quỹ bình ổn khiến giá xăng giảm nhẹ, Tuổi Trẻ đưa tin liên bộ Công Thương - Tài chính lý giải để hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, liên bộ quyết định thực hiện trích lập quỹ bình ổn và không chi quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu để giá xăng dầu trong nước có xu hướng biến động phù hợp với xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới.

Theo liên bộ, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục khôi phục quỹ bình ổn để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến phức tạp, khó lường.

Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng 4 kịch bản áp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) theo biến động giá nhiên liệu thế giới trong năm 2023 mà không phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ này kiến nghị 4 mức thuế áp dụng trong năm sau đối với xăng dầu tương ứng với kịch bản giá dầu thô thế giới. Cụ thể, trường hợp giá dầu thô thế giới dưới 70 USD/thùng, thuế BVMT với xăng sẽ quay trở về mức 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít.

Đây cũng là mức thuế BVMT kịch khung trong biểu thuế suất BVMT với xăng dầu hiện nay. Trường hợp 2, giá dầu thô ở ngưỡng 70 - 80 USD/thùng, mức thuế suất BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần. Tức là, mỗi lít xăng sẽ chịu 3.000 đồng thuế BVMT, nhiên liệu bay 2.250 đồng; dầu diesel 1.500 đồng.

Trường hợp 3, nếu giá dầu thô thế giới 80 - 100 USD/thùng, thuế BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế: xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít… Trường hợp cuối cùng, khi giá dầu vọt trên mốc 100 USD/thùng, mức thuế BVMT áp dụng với xăng, nhiên liệu bay cùng là 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít...

Các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế BVMT theo đề xuất của Bộ Tài chính cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu. Điều này không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, nên bỏ hẳn thuế này để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nếu muốn tính, các Bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng, thông tin trên Dân Việt.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-gia-xang-dau-chi-giam-nho-giot-a363942.html