Kinh tế

Vì sao tài sản ông chủ Temu liên tiếp bị tụt hạng dù đang 'càn quét' thị trường thế giới?

Ông chủ Temu, nhà sáng lập PDD Holdings Colin Huang từ vị trí người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 49,3 tỷ USD gần đây liên tiếp tụt hạng, cho dù Temu đang càn quét thị trường thế giới. Lý do vì sao?

Tụt hạng xuống vị trí thứ 4

Theo danh sách tỷ phú được Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun) công bố hôm 29/10, nhà sáng lập công ty mẹ của TikTok là Zhang Yiming lần đầu tiên trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản đạt 49,3 tỷ USD, vượt qua ông trùm nước đóng chai Chung Sơn Sơn (Zhong Shanshan). Nhà sáng lập Tencent Mã Hóa Đằng (Pony Ma) đứng thứ 3.

Trong khi đó, Colin Huang (1980) - nhà sáng lập PDD Holdings - tiếp tục tụt thêm 1 bậc, xuống vị trí thứ 4, với tài sản đạt 34,5 tỷ USD.

Còn theo Forbes, tính tới 29/10, Colin Huang có tổng tài sản là 44 tỷ USD, cũng tụt xuống vị trí thứ 4 sau Zhong Shanshan (49 tỷ USD), Pony Ma (45,8 tỷ USD), Zhang Yiming (45,6 tỷ USD).

Vì sao tài sản ông chủ Temu liên tiếp bị tụt hạng dù đang 'càn quét' thị trường thế giới?
Colin Huang bị tụt hạng từ người giàu nhất Trung Quốc xuống vị trí thứ 4 chỉ sau 2 tháng.

Hồi đầu tháng 8, Colin Huang là người giàu nhất Trung Quốc. Với khối tài sản trị giá 49,3 tỷ USD, ông Colin Huang đã soán ngôi giàu nhất Trung Quốc từ "vua nước đóng chai" Zhong Shanshan. Ông Shanshan giữ ngôi giàu nhất Trung Quốc kể từ tháng 4 năm 2021, theo VTV.

Tài sản của Colin Huang tiếp tục tụt giảm cho dù PDD Holdings - công ty sở hữu trang mua sắm Temu - làm mưa gió ở thị trường Mỹ, châu Âu và cả châu Á trong hơn năm qua và ứng dụng bán lẻ Pinduoduo cũng bứt phá tại Trung Quốc. Pinduoduo đã vượt qua Alibaba của Jack Ma.

Gần đây, sàn thương mại điện tử Temu gây bão thị trường Việt Nam với giá hàng hóa được cho là rất rẻ và miễn phí vận chuyển.

Pinduoduo được Colin Huang thành lập năm 2015, nổi tiếng với việc bán các sản phẩm giá rẻ cùng các chương trình khuyến mãi lớn.

Vào đầu năm 2021, tài sản ròng của Huang đã từng đạt mức 71,5 tỷ USD nhưng cũng sụt giảm nhanh chóng sau đó khi cổ phiếu PDD mất gần 90%. Tuy nhiên, PDD Holdings của Colin Huang đã bứt phá trở lại với chiến lược tấn công thị trường nước ngoài dưới thương hiệu Temu, nhờ sự hậu thuẫn của gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings.

Vì sao tài sản ông chủ Temu liên tiếp bị tụt hạng dù đang 'càn quét' thị trường thế giới? - 1
Colin Huang rơi xuống vị trí thứ 4 theo xếp hạng của Hurun.

Thách thức từ hàng rào thuế quan thương mại

Thành công của Colin Huang trên thị trường quốc tế trong hơn 2 năm vừa qua đến trong bối cảnh người tiêu dùng nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ lao đao vì lạm phát thời hậu Covid-19 và căng thẳng Nga-Ukraine từ năm 2022.

Temu đã áp dụng mô hình M2C (nhà sản xuất đến người tiêu dùng), loại bỏ các khâu trung gian truyền thống như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, qua đó giảm các chi phí trung gian.

Temu đã tấn công không chỉ vào Mỹ và châu Âu mà còn Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Indonesia...

Các sản phẩm giá rẻ của PDD được nhập khẩu từ Trung Quốc ngay lập tức hút khách. Temu trở thành một "cỗ máy in tiền" cho PDD. Cuối năm 2023, PDD lần đầu tiên vượt Alibaba của Jack Ma để trở thành công ty Internet lớn thứ hai của Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây, các ông lớn Trung Quốc khác như Alibaba, TikTok của ByteDance cũng tập trung mạnh vào mảng hàng hóa giá thấp. Mức độ cạnh tranh tăng lên rất nhiều. Đây cũng chính là yếu tố khiến triển vọng PDD không còn quá tươi sáng, giá cổ phiếu khó trở về mức cao như trước đó.

Vì sao tài sản ông chủ Temu liên tiếp bị tụt hạng dù đang 'càn quét' thị trường thế giới? - 2
Temu cũng gặp không ít thách thức khi đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý tại các nước liên quan tới việc quản lý thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến.

Bên cạnh đó, trên thế giới, Temu cũng gặp không ít thách thức khi đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý tại Mỹ, EU và nhiều nước khác, liên quan tới việc quản lý thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến...

Theo đó, Temu bị cáo buộc đã tận dụng lỗ hổng thương mại để đưa hàng hóa miễn thuế trị giá hàng trăm tỷ USD vào Mỹ, thông qua các kiện hàng nhỏ được gửi từ kho ở Trung Quốc tới từng khách hàng.

Truyền thông các nước cũng cáo buộc chiêu trò phá giá nhằm chiếm thị trường của Temu và nhiều quốc gia đang đề xuất xây dựng hàng rào thuế quan thương mại.

Từng là thần đồng toán học

Không giống như Jack Ma, một giáo viên tiếng Anh chuyển sang khởi nghiệp, Colin Huang đại diện cho thế hệ doanh nhân công nghệ Trung Quốc mới, những người bắt đầu sự nghiệp của mình với những cơ hội toàn cầu.

Ngay từ khi còn nhỏ, Colin Huang đã được xem là thần đồng toán học. Năm 12 tuổi, tài năng toán học phi thường của Huang đã giúp cậu học sinh ưu tú có được một suất học tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh giá. Đây là nơi Huang được học cùng lớp với con cháu của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc.

Sau khi tốt nghiệp với bằng khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, năm 2002, Huang rời Trung Quốc để theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.

Vì sao tài sản ông chủ Temu liên tiếp bị tụt hạng dù đang 'càn quét' thị trường thế giới? - 3
Colin Huang chụp ảnh cùng huyền thoại đầu tư Warren Buffett

Hai năm sau khi tốt nghiệp, Huang trở về Trung Quốc để giúp thành lập chi nhánh Google tại quốc gia tỷ dân. Huang thành lập công ty đầu tiên của mình vào năm 2007, sau đó bán vào năm 2010 để bắt đầu một lĩnh vực kinh doanh mới là giúp các công ty tự tiếp thị trên các trang web như Taobao của Alibaba hoặc JD.com.

Khi bị nhiễm trùng tai khiến anh phải nghỉ ngơi năm 2013, Huang đã nảy ra ý tưởng về Pinduoduo.

"PDD Holdings (công ty do Huang thành lập) không phải là để người dân Thượng Hải cảm thấy như đang sống cuộc sống ở Paris, mà là đảm bảo rằng người dân An Huy có giấy nhà bếp và trái cây tươi", Huang nói trong cuộc phỏng vấn năm 2018 với tạp chí Caijing.

"Mục tiêu không phải là giá rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ đã có được một món hời".

Trong công việc, Huang nổi tiếng vì vấp phải sự phản đối từ các nhà cung cấp do chính sách hạ giá "khủng khiếp", đồng thời có chế độ làm việc khắc nghiệt cho chính bản thân và nhân viên.

Ngay sau cuộc điều tra về điều kiện làm việc sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021, PDD vẫn tiếp tục yêu cầu nhân viên làm việc từ 11h sáng đến 11h tối, sáu ngày một tuần, cộng với làm thêm giờ.

Đây là một biến thể của văn hóa "996" (văn hóa làm việc 12 giờ mỗi ngày, từ 9hsáng đến 9h tối, sáu ngày một tuần, 72 giờ mỗi tuần) của ngành công nghệ mà các công ty như ByteDance Ltd. và Alibaba đã tránh xa sau sự giám sát của cơ quan quản lý.

Theo Khánh Linh (Nguoiduatin.vn)




https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-tai-san-ong-chu-temu-lien-tiep-bi-tut-hang-du-dang-can-quet-thi-truong-the-gioi-204241030122632943.htm