Kinh tế

Xâm nhập "thị trường chợ đen" ở Triều Tiên

Tại khu trung tâm thương mại Pothonggang ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, người ta có thể mua đủ các mặt hàng - từ cao cấp đến thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm… Điều đáng chú ý là mọi mặt hàng đều được niêm yết bằng USD và tiền won Triều Tiên, với giá cao gấp hàng chục lần giá chính thức.

Tại khu trung tâm thương mại Pothonggang ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, người ta có thể mua đủ các mặt hàng - từ cao cấp đến thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm… Điều đáng chú ý là mọi mặt hàng đều được niêm yết bằng USD và tiền won Triều Tiên, với giá cao gấp hàng chục lần giá chính thức.

Cố Chủ tịch Kim Jong Il đã cho xây dựng khu trung tâm Pothonggang, khai trương tháng 12-2010 vì nó đóng vai trò "to lớn" trong việc cải thiện cuộc sống của người dân thủ đô.

5 năm sau, tiên đoán của ông Kim Jong-Il trở thành hiện thực. Những dòng người nối dài vào trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, Pothonggang không đáp ứng nổi nhu cầu quá lớn của đại đa số người dân. Và giờ đây tại khu vực này đang hình thành mô hình mới - thị trường chợ đen - "chuyện đời thường" được người dân chấp nhận, và được coi là dấu hiệu cải cách của chính phủ do ông Kim Jong-Un điều hành.

Phóng viên James Pearson của Reuters vừa có dịp tới thăm Pothonggang và nhận thấy sự khác biệt so với một số trung tâm thương mại khác trên thế giới. Mọi thứ hàng hóa ở đây được niêm yết bằng đồng USD và đồng won Triều Tiên. Tỷ giá hối đoái được sử dụng tại trung tâm là 8.400 won/1USD, cao gấp 80 lần so với tỷ giá chính thức. Tuy nhiên, khách đến Pothonggang không ngại đặt những tập tiền USD dày cộp lên bàn thanh toán và nhận lại tiền thừa bằng USD, NDT của Trung Quốc hoặc won Triều Tiên với tỷ giá chợ đen.
 

Hàng hóa phương Tây được bày bán tại Bình Nhưỡng.

Kinh tế sôi động nhờ cải cách

Theo giới phân tích, trong vòng 20 năm trở lại đây, Triều Tiên trải qua những thay đổi lớn về kinh tế. Nhiều tập đoàn, Cty của nước này sản xuất ra nhiều sản phẩm thiết yếu, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước. Người dân Triều Tiên đã tiêu tiền thoải mái hơn, mua sắm những thứ vốn vẫn được coi là xa xỉ.

Nhu cầu về ngoại tệ tăng mạnh sau khi Triều Tiên cải cách tiền tệ, đặc biệt là thị trường tự do cũng được giao dịch bằng ngoại tệ. Chính phủ  ông Kim Jong-Un cơ bản chấp nhận tỷ giá thị trường chợ đen, để hỗ trợ đất nước vượt qua khó khăn và mở đầu giai đoạn chấp nhận kinh tế tư nhân. "Đây là thời điểm tốt để giúp Triều Tiên phát triển kinh tế. Kể từ khi lên nắm quyền tháng 12-2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã cởi mở hơn với sự phát triển của thị trường chợ đen và kinh tế tư nhân ở nước này", Reuters nhận xét.

Nhiều hàng hóa tại Pothonggang có mức giá "cao ngất ngưởng"  nhưng vẫn được bán hết sạch, nhất là điện thoại di động. Từ năm 2012 đến nay, số thuê bao di động ở nước này tăng gấp 3 lần, bình quân cứ 8 người thì có 1 người dùng di động trong 24 triệu dân. Sản phẩm tiết kiệm điện như đèn LED được Triều Tiên sản xuất với số lượng lớn, giá rẻ. Ngoài ra, Triều Tiên cũng là nơi sản xuất nguồn năng lượng lựa chọn khá phong phú như pin mặt trời, pin dự phòng và máy phát điện cỡ nhỏ.

Thẻ ngân hàng ngày một phổ biến

Cùng với bộ mặt "tiêu dùng mới" tín hiệu đáng mừng khác của nền kinh tế Triều Tiên là xuất hiện những chiếc thẻ ngân hàng, như Narae Card của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên. Narae Card dùng để nạp tiền USD và cho mục đích thanh toán các giao dịch bằng ngoại tệ, hoặc để nạp tiền cho điện thoại di động.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép thành lập ngân hàng ở Triều Tiên và cho vay tiền và cung cấp chương trình tài trợ tín dụng dựa trên Cty của Triều Tiên. Cùng với xu thế chợ đen, thẻ ngân hàng, trào lưu quảng cáo cũng trở nên sôi động, mở ra hành trang hay tiêu chí cần thiết cho bước khởi đầu của nền kinh tế thị trường. Mới đây, trong bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un hứa sẽ "đặt nhân dân lên trên hết" và cam kết cải cách nền kinh tế nhằm mang lại ấm no cho người dân.
 
>> Triều Tiên: Phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn đàn ông

Theo Kim Hùng (CAND Online)