Lối Sống

Bí kíp chống say tàu xe khi đi lại trong dịp Tết

Dịp Tết, việc di chuyển lại nhiều là nỗi sợ với người hay bị say xe, dưới đây là cách chống say tàu xe bạn có thể tham khảo.

Vào dịp Tết, mọi người phải đi xa nhiều. Với nhiều người việc đi lại quãng đường xa không phải vấn đề nhưng không ít người lại gặp phải tình trạng say xe khiến chuyến đi trở thành “cực hình”.

Theo các chuyên gia, say tàu xe là triệu chứng của sự rối loạn cơ quan điều khiển thăng bằng trong cơ thể khi các lực chuyển động và quán tính tác động lên các giác quan của chúng ta.

Trong nhiều trường hợp, say xe còn do tâm lý lo sợ. Thực tế nhiều người vừa thấy xe hay ngửi mùi khói xe đã cảm thấy buồn nôn và muốn say rồi. Do vậy, các chuyên gia khuyên để không bị say xe, đầu tiên mọi người cần cố gắng giữ tâm lý thoải mái và lưu ý một số vấn đề sau:

Chọn chỗ ngồi

Bí kíp chống say tàu xe khi đi lại trong dịp Tết

Thông thường, khi lên ôtô, người dễ say xe nên ngồi ở ghế trước bởi nếu ngồi ở ghế sau, khi vào cua đuôi xe sẽ văng nhiều hơn, càng dễ say. Tuy nhiên, không nên ngồi ở ghế trên đầu cùng với lái xe bởi vị trí này sẽ khiến dễ say xe hơn.

Nếu bạn không có sự lựa chọn mà bắt buộc phải ngồi ghế sau, hãy thử trò chuyện với mọi người xung quanh và đặc biệt, không dùng điện thoại và đọc sách trên xe.

Nhìn ra xa

Khi ngồi trên xe, không quan sát xuống mặt đường hay những khoảng không gian ngay trước mắt vì như vậy bạn sẽ cảm thấy mọi vật chuyển động rất nhanh, đây là nguyên nhân gây say xe. Vì vậy, hãy cố gắng nhìn ra xa hoặc về phía chân trời, đảo mắt nhiều chứ không tập trung một điểm.

Bí kíp chống say tàu xe khi đi lại trong dịp Tết - 1

Ăn uống vừa đủ

Nên cân nhắc ăn lượng vừa phải thức ăn, đồ uống, đặc biệt là đồ uống có cồn vào cơ thể trước và trong khi di chuyển đường dài. Nếu ăn hoặc uống đồ nào đó mà cơ thể cảm thấy khác lạ thì nên dừng. Thực phẩm giàu chất béo, cay có thể làm tình trạng say xe thêm tồi tệ. Đặc biệt, không để đồ ăn nặng mùi trên xe bởi chúng dễ kích ứng khiến nhiều người khó chịu khi ngồi trong ôtô đóng kín.

Ngậm gừng

Trước khi khởi hành khoảng 30 phút, bạn nên dùng một miếng gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng bạn nên ngậm trong miệng một lát sẽ làm giảm bớt cảm giác khó chịu.

Ngửi vỏ quýt

Cách này cũng được rất nhiều người dùng. Chỉ cần bóc vỏ quýt rồi đặt lên mũi để mùi quýt át hết mùi dầu nhớt của xe cũng giúp bạn giảm đi cảm giác buồn nôn khó chịu.

Bí kíp chống say tàu xe khi đi lại trong dịp Tết - 2

Ăn hoặc ngửi bánh quy, bánh mì

Thực phẩm thô như bánh quy giòn, bánh mì nướng thường được khuyên dùng cho người bị say xe. Nó lấp đầy dạ dày, làm nhẹ đi một số loại mùi gây khó chịu cho bạn.

Thuốc chống say xe

Đây là cách cuối cùng với người bị say xe nặng. Tuy nhiên loại thuốc này không phải lúc nào cũng hiệu quả, ngược lại dùng nhiều có hại cho cơ thể. Vì vậy, nên uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tập những thói quen như ở phía trên để chiến thắng cơn say xe mà không phải dùng thuốc.

Một số mẹo chống say tàu xe ở trẻ em

Trẻ em cũng không ngoại lệ, có thể bị say tàu xe nhưng vẫn ít hơn người lớn. Nếu có trẻ nhỏ đi cùng bạn về quê ăn Tết, thì bạn cần trang bị một số mẹo chống say tàu xe cho trẻ như sau:

Bí kíp chống say tàu xe khi đi lại trong dịp Tết - 3

- Không nên cho bé ăn quá no, hoặc đói trước khi lên xe.

- Cho bé ngồi khi ăn, uống sữa xong. Tránh nằm ngay vì thức ăn dễ bị trào ngược.

- Vỗ nhẹ lưng cho bé để ợ hơi.

- Nói chuyện và chơi cùng bé, vì bé sẽ không nghĩ đến việc buồn nôn.

- Nếu bé đã muốn nôn ói, thì cứ cho bé ói, đừng cố chịu đựng.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/bi-kip-chong-say-tau-xe-khi-di-lai-trong-dip-tet-d207363.html