Lối Sống

Có nên dán băng dính kín miệng khi ngủ?

Mạng xã hội TikTok đang lan truyền trào lưu "dán băng dính vào miệng khi ngủ" để không phát ra tiếng ngáy và ngủ sâu hơn … nhưng nhiều bác sĩ cảnh báo nguy hiểm.

Theo Người lao động đưa tin, thời gian qua, nhiều cư dân mạng đã học theo trào lưu trên TikTok bằng cách "dán băng dính vào miệng trước lúc ngủ". Theo họ, điều này sẽ thúc đẩy việc thở bằng mũi, giúp ngủ ngon hơn và không phát ra tiếng ngáy vào ban đêm.

Trên kênh TikTok có hơn 400 ngàn người theo dõi, huấn luyện viên sức khỏe Cory Rodriguez khẳng định việc dán băng dính vào miệng sẽ giúp ngủ ngon hơn.

"Mục đích của việc dán băng dính vào miệng khi ngủ nhằm giúp bạn thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng" - anh Rodriguez nói trong đoạn video đăng trên TikTok và đồng thời cho biết mình đã dán chặt miệng để ngủ hàng đêm.

Đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên TikTok. Bình luận dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng cho biết đã làm theo. Họ còn khẳng định cảm thấy ngủ ngon hơn, không còn ngáy, giảm tình trạng khô miệng và thậm chí không còn bị hôi miệng sau khi ngủ dậy.

Có nên dán băng dính kín miệng khi ngủ?

Mới đây, chia sẻ trên sóng podcast hồi cuối tháng 8, sao bóng đá Erling Haaland gây chú ý khi tiết lộ còn dán băng dính vào miệng lúc ngủ. "Tôi nghĩ giấc ngủ là thứ quan trọng nhất trong đời", Haaland nói. "Tôi đã dùng băng dính dán miệng lại vào tối và trong lúc tập luyện". Theo Haaland, việc làm này tốt cho giấc ngủ cũng như màn trình diễn trên sân, thông tin trên VietNamNet.

Haaland giải thích, sở dĩ anh làm điều có phần ‘quái dị’ trong lúc ngủ nhằm tối đa hóa việc thở bằng mũi và việc tiếp xúc với các nguồn ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thói quen kỳ lạ của Haaland rõ ràng cho thấy hiệu quả cao, nếu xét đến thành tích anh đạt được trong mùa đầu tiên cùng Man City, với 52 bàn sau 53 trận, góp công đáng kể vào cú ăn ba ngoạn mục (Premier League, FA Cup, Champions League) của đội bóng áo xanh.

Có nên dán băng dính lên miệng khi ngủ?

Đến nay, một số người cho rằng việc dán băng dính vào miệng có thể giúp giấc ngủ được sâu hơn, giảm thiểu việc ngáy cũng như các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, Phụ nữ Việt Nam dẫn thông tin theo Jeff Kahn - chuyên gia về giấc ngủ đang làm việc tại Rise Science cho biết, lý thuyết này chưa có cơ sở vững chắc.

"Những tuyên bố cho rằng việc bịt kín miệng có thể cải thiện hệ tiêu hóa, giảm bệnh nướu răng, cải thiện khung hàm phần lớn chỉ là truyền miệng và thiếu cơ sở xác thực để chứng minh", Kahn nhấn mạnh.

Trong báo cáo được công bố hồi tháng 7, Đại học Harvard thậm chí cho rằng việc dán băng dính lên miệng khi ngủ thậm chí còn có tác dụng ngược.

"Mạng xã hội tràn ngập những mẹo sức khỏe không có cơ sở khoa học và việc dán băng dính vào miệng là một trong những điều như thế. Mặc dù khi thức, việc chủ ý thở bằng mũi có thể mang lại nhiều lợi ích như lọc không khí tốt hơn, hạn chế lo lắng. Nhưng việc dán kín miệng khi ngủ có thể mang đến rủi ro, gây ra tình trạng khó thở, giấc ngủ bị gián đoạn hay kích ứng da.

Không có nghiên cứu khoa học nào ủng hộ biện pháp này. Trong một số trường hợp nhất định, việc dán kín băng dính khi ngủ có thể làm giảm nồng độ oxy của người áp dụng", báo cáo từ Đại học Harvard cho hay.

Có nên dán băng dính kín miệng khi ngủ? - 1

Chuyên gia Federico Cerrone đang làm việc tại Atlantic Health System thì dùng từ "đặc biệt nguy hiểm" để mô tả về việc dán băng dính vào miệng khi ngủ.

Kahn cũng đồng tình với kết luận đến từ Đại học Harvard. "Việc thở bằng mũi được cho mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, không có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra việc dán băng dính vào miệng có thể mang đến những lợi ích tương tự", ông nhận định.

Kahn cũng chỉ ra "phần lớn nghiên cứu liên quan đến việc dán kín miệng bằng băng dính là dành cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Chúng ta gần như mù mờ về tác dụng của việc này với người bình thường".

Nếu bạn cảm thấy giấc ngủ có vấn đề hay thường bị khô miệng khi tỉnh dậy, Kahn khuyên hãy tìm đến bác sĩ chuyên ngành để tư vấn. Ông cũng cho biết việc sử dụng đồ uống chứa cồn có thể tạo ra tác động tiêu cực đến việc thở. "Hãy dừng uống đồ có cồn 3 tiếng trước khi đi ngủ", Kahn nói thêm.

Tương tự, bác sĩ Ayush Gupta - chuyên gia tim mạch và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Fortis Vasant Kunj (Ấn Độ) - cũng cho rằng việc dán băng dính vào miệng khi ngủ có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

"Không bao giờ được dán băng dính vào miệng lúc ngủ vì nếu mũi của bạn bị tắc nghẽn mức oxy có thể giảm đáng kể và dẫn đến các biến chứng tim mạch cấp tính" - bác sĩ Ayush Gupta quả quyết.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/co-nen-dan-bang-dinh-kin-mieng-khi-ngu-d183014.html