Lối Sống

Lạm dụng thuốc giảm đau, nam thanh niên 21 tuổi bị thủng dạ dày

Chàng trai 21 tuổi mỗi lần cảm sốt đều tự mua thuốc điều trị. Đến khi anh đột ngột đau bụng, nhập viện cấp cứu, bác sĩ phát hiện dạ dày bị thủng.

Ngày 19-9, Báo Người lao động dẫn lời BS CK2 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết các bác sĩ tại đây vừa kịp thời phẫu thuật cứu nam bệnh nhân V.T.Q. (21 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) bị lủng dạ dày.

Anh Q. nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, sốt cao kèm nôn ói. Sau khi thăm khám, chụp Xquang, CT-scan, xét nghiệm máu, kết quả ghi nhận bạch cầu anh Q. tăng 12.300 G/L (số lượng bạch cầu trong máu người bình thường khoảng từ 4.0 đến 10.0G/L); có hơi tự do trong ổ bụng.

Anh Q. được phẫu thuật cấp cứu trong đêm. Bác sĩ ghi nhận một lỗ thủng 5 mm ở tiền môn vị từ dạ dày vào tá tràng. Bệnh nhân được khâu vết thủng qua nội soi. 3 ngày sau phẫu thuật, anh Q. đã có thể trung tiện, rút ống sonde tiểu…, hết sốt, có thể tự ăn uống. Dự kiến khoảng vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Lạm dụng thuốc giảm đau, nam thanh niên 21 tuổi bị thủng dạ dày
BS CK2 Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, thăm khám cho người bệnh sau phẫu thuật.

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Hưng cho biết, nguyên nhân dẫn đến thủng dạ dày là viêm loét lành tính (stress, ăn uống, dùng thuốc kháng viêm có chứa corticoid ); ung thư; chấn thương (dao đâm) và thủ thuật can thiệp (nội soi tiêu hóa, dạ dày).

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Hưng cho biết, bệnh nhân bị thủng dạ dày là do lạm dụng thuốc giảm đau. Trước đó, mỗi lần bị đau là Q. tự mua thuốc dùng uống.

Theo bác sĩ Hưng, thủng dạ dày rất nguy hiểm, quan trọng là phải phát hiện và chẩn đoán sớm. Bởi vì khi thủng dạ dày, dịch dạ dày thoát ra ổ bụng trong giai đoạn đầu (sau 6 giờ) không can thiệp kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc, để chậm trễ bệnh nhân sẽ rơi vào sốc nhiễm trùng và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.

"May mắn là bệnh nhân được cấp cứu và điều trị rất kịp thời, từ lúc bệnh nhân nhập khoa Ngoại Tổng quát đến khi mổ chỉ trong vòng 1 giờ. Lúc này bệnh nhân chưa nhiễm trùng nhiều nên việc điều trị hậu phẫu thuận lợi. Hiện tại, bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm và đang được điều trị tích cực. Trong thời gian hậu phẫu, bệnh nhân điều trị nội khoa dạ dày, nếu không sẽ có khả năng thủng dạ dày lại. Nếu thủng lần thứ hai là phải cắt dạ dày, tỷ lệ tử vong cao", bác sĩ Nguyễn Thế Hưng cho hay.

Từ trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Nguyễn Thế Hưng khuyến cáo, có nhiều người khi cơ thể bị đau thường có thói quen tự mua thuốc giảm đau. Điều này hoàn toàn không nên. Theo đó, mọi người khi bị đau thì cần đến bệnh viện thăm khám để kê đơn thuốc cụ thể, hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Thực tế, nhiều bệnh nhân bị thủng dạ dày ở các lứa tuổi khác nhau do tự kê đơn thuốc, tự ý ra quầy mua thuốc giảm đau về điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm là viêm loét, thủng dạ dày tá tràng.

"Mọi người cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, bỏ thói quen tự kê đơn thuốc, tự ý ra quầy mua thuốc về điều trị", BS.CKII Nguyễn Thế Hưng khuyến cáo.

Cũng theo nguồn tin trên, hoàn cảnh của bệnh nhân V. T.Q. rất khó khăn. Ba mẹ Q. mất sớm, em phải đi làm thuê ở quán nhậu trên phố Bùi Viện, khi nhập viện không có tiền và bảo hiểm y tế. Đến nay, gia đình Q. mới chi trả được một phần chi phí phẫu thuật, số tiền còn lại bệnh viện sẽ hỗ trợ chi trả cho em.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/lam-dung-thuoc-giam-dau-nam-thanh-nien-21-tuoi-bi-thung-da-day-d183500.html