Lối Sống

Nghề 'thầy bói trên mạng' lên ngôi: Trả có 200 nghìn, được nghe thầy phán đủ cả tình duyên lẫn sự nghiệp

Khi tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người trẻ Trung Quốc chuyển sang làm nghề "thầy bói trên mạng", tiền kiếm còn nhiều hơn công việc chính.

"Xem thầy" trên mạng

Huang Yue, sinh viên tốt nghiệp 25 tuổi ở Bắc Kinh, đã phải vật lộn với những âu lo và nhiều ngã rẽ lựa chọn trong suốt năm 2023.

Cô vừa bắt đầu chương trình cao học đầy khó khăn; không thể quyết định có nên chấm dứt mối quan hệ đang rạn nứt với bạn đời và lo lắng về triển vọng việc làm sau khi tốt nghiệp.

Giống như nhiều người khác ở Trung Quốc, cô tìm đến ứng dụng tâm linh Cece. Với lá số tử vi, gieo quẻ và thậm chí cả đặt lịch gặp mặt trực tiếp thầy bói, Huang tìm đến ứng dụng để mưu cầu sự bình yên cho cuộc sống.

"Đó là cách để tôi tìm kiếm ý nghĩa và niềm an ủi trong thế giới phi lý này. Ở thời điểm chông chênh nhất, bám víu vào bất kỳ lời phán nào cũng đều nhận về sự an yên", Huang nói vói Rest of World.

Ở Trung Quốc, nơi những thách thức kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao bủa vây, giới trẻ có xu hướng tìm đến các dịch vụ tâm linh trực tuyến để được chỉ đường dẫn lối.

Nghề 'thầy bói trên mạng' lên ngôi: Trả có 200 nghìn, được nghe thầy phán đủ cả tình duyên lẫn sự nghiệp

Bất chấp sự giám sát chặt chẽ, ngành này vẫn đang phát triển. Theo công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, thị trường sức khỏe tinh thần toàn quốc của Trung Quốc ước tính đạt 6,68 tỷ nhân dân tệ (940 triệu USD) vào năm 2023 và 10,41 tỷ nhân dân tệ (1,46 tỷ USD) vào năm 2025.

Được hậu thuẫn bởi Tencent, Cece là ứng dụng tâm linh hàng đầu tại Trung Quốc. Nền tảng gần như tăng gấp đôi lượng người dùng hoạt động hàng tháng trong năm đầu tiên xảy ra dịch bệnh và đạt hơn 1 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2021.

Người dùng đăng ký bằng cách nhập thời gian và nơi sinh để ứng dụng tính toán dữ liệu và chia sẻ với chuyên gia tư vấn trong ứng dụng.

Với số tiền chỉ vài USD, người dùng có thể tham khảo ý kiến của "thầy" trong các phòng trò chuyện, mỗi phòng chuyên về các lĩnh vực như tư vấn về mối quan hệ hoặc lập kế hoạch nghề nghiệp.

"Quẻ có nói gì về sự nghiệp năm 2024 của tôi không?" một người dùng hỏi thầy trong phòng trò chuyện Cece vào tháng 11. "Bạn sẽ gặp khó khăn về tài chính trong suốt năm 2024, nhưng khi năm 2025 đến, vận may của bạn sẽ đi lên", thầy bói trả lời sau khi xem xét quẻ của người dùng dựa trên Kinh Dịch.

Một nghề kiếm tiền dễ

Những thầy bói đó là một phần trong số nhiều người làm công việc tâm linh trực tuyến đang ngày càng tăng, những người mang đến một sự lắng nghe cảm thông với giá cả phải chăng.

Đối với Cece, các thầy cần phải vượt qua bài kiểm tra về đạo đức làm việc và chuyên môn trước khi cung cấp dịch vụ tư vấn.

Nghề 'thầy bói trên mạng' lên ngôi: Trả có 200 nghìn, được nghe thầy phán đủ cả tình duyên lẫn sự nghiệp - 1

Abigail là người làm cho một doanh nghiệp nhà nước giấu tên có công việc phụ trên Cece. Cô đã kết nối với hơn 1.000 người và nhận thấy mức lương tăng từ khoảng 3 nhân dân tệ (10 nghìn) mỗi phút vào năm 2021 lên 10,80 nhân dân tệ (36 nghìn) mỗi phút.

"Anh ấy nghĩ gì về tôi" là một trong những câu hỏi thường gặp nhất, Abigail nói với Rest of World.

Bên cạnh các phòng trò chuyện, Cece còn cung cấp dịch vụ "lắng nghe" riêng tư do các cố vấn đã qua đào tạo cung cấp.

Zhai Liqin, 38 tuổi, một nhà trị liệu tự học, dành 3-5 giờ để nói chuyện với người dùng trên Cece mỗi ngày, với mức phí 2 nhân dân tệ mỗi phút. Zhai bắt đầu tự học tâm lý cách đây 6 năm, khi cô còn là một bà mẹ nội trợ. Cô đăng ký nhiều lớp học trực tuyến khác nhau và cuối cùng trở thành nhân viên được cấp phép vào năm 2021.

Zhai, hiện là cố vấn tinh thần, điều hành một doanh nghiệp tư vấn tinh thần ngoại tuyến trong khi đăng nhập để làm việc 4–5 giờ mỗi ngày trên Cece. Giá của cô ấy trên Cece khác biệt đáng kể. Một phiên ngoại tuyến có giá 300 nhân dân tệ (1 triệu), trong khi, trên Cece, cô được trả 2 nhân dân tệ (7 nghìn) mỗi phút.

"Tôi thích làm việc trực tuyến với tư cách là một người lắng nghe, vì hình thức này linh hoạt hơn, cho phép tôi chăm sóc con gái mình đồng thời kiếm thêm tiền", cô nói với Rest of World.

Mặc dù ứng dụng Cece không dùng các thuật ngữ "nhà trị liệu" hoặc "nhà tư vấn", nhưng người tham gia sẽ phải trải qua một quá trình xem xét chứng chỉ kéo dài.

Sau khi được chấp thuận làm việc trên Cece, họ phải liệt kê các khóa đào tạo và chứng chỉ cụ thể. Chi phí tư vấn từ 1 đến 7 nhân dân tệ mỗi phút, tùy thuộc vào kinh nghiệm làm việc và mức độ yêu thích.

Nghề 'thầy bói trên mạng' lên ngôi: Trả có 200 nghìn, được nghe thầy phán đủ cả tình duyên lẫn sự nghiệp - 2

Khỏa lấp nỗi niềm

Các chuyên gia đồng tình rằng các ứng dụng tâm linh kỹ thuật số như Cece không phải là sự thay thế cho sự trợ giúp chuyên nghiệp, đặc biệt là khi nền tảng này tập trung vào các thầy bói, nhà ngoại cảm và những người thực hành giả khoa học.

Molly Lin, nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông, cho biết: "Phải mất hàng nghìn giờ để đào tạo một chuyên gia về sức khỏe tinh thần được cấp phép, người biết cách xử lý các vấn đề phức tạp như ranh giới với khách hàng và tính chủ quan của chính họ".

"Những người hoạt động trong lĩnh vực tâm linh kỹ thuật số thiếu kiến thức chuyên môn như thế này. Xử lý những khách hàng có tình trạng tâm thần nhạy cảm có thể gây hiểu nhầm và thậm chí nguy hiểm".

Các dịch vụ tâm linh thường bị giám sát chặt chẽ do ranh giới trở thành "mê tín dị đoan" là rất mong manh. Các nền tảng như WeChat đã cấm người sáng tạo thu lợi từ các dịch vụ "mê tín". Tìm kiếm các từ khóa như "tarot" hoặc "tử vi" cũng không có kết quả liên quan trên Xiaohongshu.

Tuy nhiên, các "nhà ngoại cảm" vẫn tìm mọi cách để hoạt động, đôi khi là quảng cáo bằng tiếng Anh hoặc sử dụng biểu tượng quả cầu pha lê để biểu thị việc xem bói.

"Hậu quả của việc chọn sai con đường là rất thảm khốc khi nền kinh tế gặp khó khăn", Vivian Ma, người làm nghề bói bài tarot trên WeChat cho biết. Cô nói công việc này có mức lương tương đương với công việc thiết kế toàn thời gian của mình.

Huang, nghiên cứu sinh, đã nhiều lần trả tiền để được nghe lời phán của các thầy trong ứng dụng khi cảm thấy chán nản với cuộc sống, một phần vì nó rẻ hơn nhiều so với liệu pháp tâm lý.

Với Cece, một cuộc gọi 30 phút với thầy chỉ tốn 60 nhân dân tệ (200 nghìn), so với 300 nhân dân tệ (1 triệu) trên các ứng dụng trị liệu. Huang cũng thích trả tiền theo phút cho Cece hơn là bị ràng buộc vào các phiên định kỳ kéo dài hàng giờ.

Tháng 10, Huang quay lại với bạn trai cũ. Bạn bè của cô đã mô tả người đàn ông này là "độc hại", nhưng lá số của Cece cho thấy cả hai có tính hòa hợp cao.

"Tôi chỉ đang tìm kiếm một cú hích theo hướng mà trái tim tôi mong muốn, nhưng thường phải đến khi bạn tung đồng xu thì mới biết bản thân thực sự muốn gì", Huang nói.

Theo Mạnh Kiên (Đời Sống & Pháp Luật)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-thay-boi-tren-mang-len-ngoi-tra-co-200-nghin-uoc-nghe-thay-phan-u-ca-tinh-duyen-lan-su-nghiep-a401395.html