Lối Sống

Người mẹ trong bức ảnh gây chấn động 'lưng vác núi, tay ôm hy vọng' sau 14 năm giờ ra sao?

14 năm trước, bức ảnh người mẹ trẻ bắt chuyến tàu về quê mang theo hành lý khổng lồ trên vai và bế đứa con nhỏ trên tay đã lan truyền khắp cõi mạng, chạm đến trái tim của biết bao người.

14 năm đã trôi qua, một cái Tết nữa lại đang đến gần. Phóng viên của Jimu News đã gặp người mẹ trong bức ảnh này, cô Bamu Yubumu 35 tuổi ở làng Đào Viên, thị trấn Bản Kiều, huyện Việt Tây, tỉnh Lương Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Sau nhiều năm, giờ đây cô không còn đi làm việc xa nữa mà ở quê trồng trọt và chăm sóc con cái, người già. Bamu Yubumu cũng không còn mất 3 ngày 2 đêm chỉ để trở về nhà như xưa, thay vào đó đã có tàu cao tốc đi thẳng đến Việt Tây. Con đường đất trước cửa nhà giờ đã được nâng cấp thành đường xi măng. Căn nhà chật hẹp năm xưa giờ đã thay thế bằng căn nhà mới khang trang... Trong 14 năm qua, mọi thứ đã thay đổi đáng kể và gia đình của Bamu Yubumu cũng vậy.

Ngày 30/1/2010, Bamu Yubumu lưng mang hành lý lớn, tay ôm con, vội vã bắt chuyến tàu ở ga Nam Xương (Nguồn ảnh: Tân Hoa Xã).

Người mẹ “lưng vác núi, tay ôm hy vọng”

Ngày 26/1 tức ngày 16/12 âm lịch, Lễ hội mùa xuân năm 2024 của Trung Quốc chính thức khai mạc, các ga tàu lớn đã chật kín người. 14 năm trước, vào ngày đầu tiên của Lễ hội mùa xuân năm 2010, một bức ảnh chụp tại ga xe lửa Nam Xương ở tỉnh Giang Tây đã chạm đến trái tim của biết bao người.

Người mẹ trong bức ảnh đang cúi người cõng hành lý khổng lồ trên lưng, tay phải ôm con, tay trái cầm chiếc ba lô chật cứng như gần rơi xuống đất. Vất vả là vậy nhưng ánh mắt cô toát lên sự kiên quyết. Bức ảnh được phóng viên Chu Khả của Tân Hoa Xã chụp lại, sau khi xuất hiện trong bộ ảnh lễ hội mùa xuân đã gây được tiếng vang lớn.

Người mẹ trong bức ảnh “Con, mẹ đưa con về nhà” tên là Bamu Yubumu, lúc đó mới 21 tuổi, là một người dân ở làng Đào Viên, thuộc Nhạc Tây, khu tự trị Di Lương Sơn, Tứ Xuyên và là người dân tộc thiểu số Yi.

Làng Đào Viên nhìn từ trên cao.

Ngày 25/1/2024, các phóng viên của Jimu News đã đến làng Đào Viên nằm lọt thỏm trước núi cao. Những ngôi nhà rải rác đây đó, con đường xi măng chạy quanh làng, những bó thuốc lá khô được xếp ngay ngắn trên ruộng. Tuyết trên đỉnh núi phía xa vẫn chưa tan, ánh nắng ấm áp đang chiếu xuống, tiếng cười đùa của lũ trẻ có thể nghe thấy từ cửa nhà Bamu Yubumu.

Những đứa trẻ đang chơi ở trước cửa nhà là Wang Xueyi, con gái thứ hai của Bamu Yubumu và các em. Bamu Yubumu lúc này đang trên đường đón con gái lớn về nhà. Wang Xueyi năm nay 12 tuổi, hiện học lớp 4 tại trường tiểu học trung tâm thị trấn, rất hoạt bát. Sau khi phóng viên giới thiệu mục đích đến thăm, cô bé hành động như một người lớn, nồng nhiệt mời phóng viên ngồi.

Khi Bamu Yubumu chở cô con gái lớn đang học năm 3 trung học cơ sở về nhà, bọn trẻ chạy đến vây quanh mẹ. Bamu Yubumu lấy táo đã mua cho bọn trẻ để trong khoang xe ba bánh ra chia.

So với bức ảnh năm 2010, Bamu Yubumu bây giờ gầy đi rất nhiều. Cô cho biết hôm nay là ngày con gái lớn được nghỉ đông. Trước khi đi đón con, cô tranh thủ ra đồng, chuẩn bị cho việc đồng áng vụ xuân.

Bamu Yubumu cùng các con.

Phải mất 3 ngày 2 đêm để trở về nhà

Nói về bức ảnh trong lễ hội mùa xuân năm xưa, Bamu Yubumu thật thà chia sẻ, bản thân đã nhiều năm không biết đến bức ảnh đó. Mãi cho đến khi phóng viên của Tân Hoa Xã tìm thấy cô vào năm 2021 và cho xem bức ảnh này, cô mới biết mình đã được nhiều người chú ý đến.

Bamu Yubumu nói với các phóng viên rằng phần hành lý trên lưng cô trong ảnh trông có vẻ lớn nhưng chủ yếu chứa đầy quần áo, chăn mền... và không nặng lắm. Ba lô cô mang theo lúc đó có mì ăn liền, tã lót và các vật dụng khác.

Trong bức ảnh năm 2010, Bamu Yubumu đang ôm cô con gái nhỏ nhưng không may cô bé đã qua đời sau khi trở về nhà. Năm 2011, cô sinh thêm một đứa con nhưng không may đứa trẻ cũng qua đời chỉ 10 ngày sau đó. May mắn thay, 4 đứa người con cô sinh ra sau đó đều lớn lên khỏe mạnh. Cộng với cô con gái lớn sinh cuối năm 2007, hiện cô đã có 5 người con.

“Lúc đó tôi chủ yếu làm chuyển gạch trong nhà máy gạch ở Nam Xương”, Bamu Yubumu nhớ lại.

Bamu Yubumu cho biết, những năm đầu, họ chỉ có thể làm ruộng trên núi nhưng để nuôi sống cả gia đình chỉ với vài mẫu đất thật sự rất khó khăn. Để trang trải cuộc sống, cô để lại con gái lớn cho ông bà ngoại chăm sóc, ôm con gái nhỏ mới chào đời ra ngoài làm việc. Vì chưa từng đọc sách và không thành thạo tiếng Trung nên cô chỉ có thể tìm việc chân tay, vừa làm việc vừa chăm sóc con.

Khi bức ảnh năm đó được chụp, cô đang chuẩn bị từ Nam Xương về nhà. Vì không nỡ vứt chăn mền và quần áo ở chỗ làm đi nên cô đã mang suốt chặng đường về nhà. Lần đó, cô phải mất 3 ngày 2 đêm mới về đến nhà. Trong đó, cô mất 2 ngày 1 đêm để đi tàu từ Nam Xương đến Thành Đô, sau khi nghỉ ngơi một đêm ở Thành Đô sẽ lên tàu hơn 10 tiếng mới đến huyện Việt Tây, tiếp tục đi xe về làng Đào Viên. Suốt chặng đường dài về nhà, cô chỉ có thể dựa vào mì ăn liền và bánh mì để phần nào lấp cái bụng đói.

Chuyển vào nhà mới, thoát nghèo thành công

Cô con gái lớn Wuqi Labumu không thể nào quên được những ngày cả nhà chen chúc trong ngôi nhà nhỏ đắp bằng bùn. Thậm chí chỉ cần có người thân đến chơi, họ sẽ không có đủ chỗ để ngủ.

Con gái lớn Wuqi Labumu.

Bamu Yubumu cho biết, sau khi trở về vào năm 2010, cô không ra ngoài làm việc nữa mà cùng chồng trồng lá thuốc lá ở nhà, vừa làm việc vừa chăm sóc người già và trẻ nhỏ. Những năm sau đó, hai vợ chồng chăm chỉ làm việc, dành dụm tiền và đã xây được nhà mới vào năm 2018. Cả nhà rất vui mừng khi ngôi nhà mới được xây dựng, cảm thấy cuối cùng gia đình cũng có một mái ấm thực sự.

Ngôi nhà 2 tầng của gia đình cô được chính phủ đã trợ cấp 40.000 nhân dân tệ (139 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) có đường dẫn thẳng đến cửa nhà. Trong nhà, sàn được lát gạch, có đầy đủ đồ dùng gia đình, bức ảnh nổi tiếng năm xưa cũng được đóng khung và treo trong phòng khách. Cô con gái lớn Wuqi Labumu cuối cùng cũng có phòng riêng.

Ngôi nhà mới của gia đình Bamu Yubumu.

Nhìn lại bức ảnh năm xưa, Bamu Yubumu như muốn khóc. Những năm tháng đi làm xa nhà đó, điều cô lo lắng nhất là khi gia đình gọi điện thông báo con ốm hoặc ở nhà có chuyện.

Hiện nay, vợ chồng cô trồng khoảng 20 mẫu lá thuốc lá, tự làm hầu hết công việc đồng áng và chỉ nhờ giúp đỡ khi cần thu hoạch lá thuốc lá. Bamu Yubumu cho biết, thu nhập từ lá thuốc lá của gia đình cô là 70.000-80.000 nhân dân tệ (243-277 triệu đồng) một năm. Tuy bây giờ gặp nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng nhất là cô có thể ở bên người già và trẻ nhỏ. Năm 2020, thu nhập hàng năm của gia đình cô đạt 100.000 nhân dân tệ (347 triệu đồng) và thoát nghèo thành công.

Con thứ ba và con thứ tư của gia đình Bamu Yubumu.

"Ai vào đại học trước sẽ được mua ô tô"

Năm 2010, Bamu Yubumu mãi đến Tết Nguyên Đán mới về nhà, bỏ lỡ ngày rất quan trọng đối với người dân tộc Yi. Trong 14 năm tiếp theo, dù vợ chồng cô đi đâu cũng sẽ không bỏ lỡ dịp Tết Nguyên đán đoàn tụ cùng gia đình.

So với hành trình khó khăn từ Nam Xương trở về Việt Tây năm đó, giờ đây mọi thứ đã thuận tiện hơn rất nhiều. Bamu Yubumu có thể bắt xe buýt trực tiếp về Việt Tây hoặc đi tàu. Ngày nay, cô chỉ mất chưa đầy 3 giờ để đi tàu cao tốc từ Thành Đô đến Việt Tây.

Bamu Yubumu và các con gái

Năm 2023, Bamu Yubumu tiếp tục trồng cây thuốc lá tại nhà. Mỗi buổi sáng, cô sẽ chở con thứ hai, thứ ba và thứ tư đến trường ở thị trấn bằng xe ba bánh rồi về nhà đi làm. Cô chỉ mất khoảng 20 phút cho quãng đường này.

Bamu Yubumu chia sẻ, lúc trước cô học lái xe ba bánh vì chồng lái máy móc nông nghiệp, chiếc xe ba bánh bị bỏ bên đường không ai trông. Nếu lúc đầu cô chỉ có thể "đi thẳng" thì giờ Bamu Yubumu đã có thể điều khiển xe rất tốt.

Tuy nhiên, vì cả Bamu Yubumu và chồng đều không biết chữ nên không thể lấy được bằng lái xe cơ giới. Cô nói với các con: “Ai được nhận vào đại học trước sẽ được mua một chiếc ô tô”. Con gái thứ hai Wang Xueyi đã nhận sẽ hoàn thành “nhiệm vụ quan trọng” này.

Bamu Yubumu cho biết, Wang Xueyi là đứa trẻ đầu tiên trong gia đình được sinh ra ở bệnh viện. Vào ngày cô bé ra đời, trời có tuyết nên gia đình đặt tên là "Xueyi". Những đứa trẻ sau đó đều được sinh ra ở bệnh viện.

"Chúng là những đứa trẻ rất hiểu chuyện. Vợ chồng tôi không biết chữ nên ở nhà anh chị lớn sẽ dạy kèm cho các em. Khi chúng tôi đi bẻ lá thuốc lá, lũ trẻ cũng sẽ giúp đỡ", Bamu Yubumu nói.

Bamu Yubumu luôn hy vọng các con học tập chăm chỉ, sau này có cuộc sống tốt hơn. Các con của cô đều được nhận chính sách ưu đãi của chính phủ.

Mũ của em bé thêu dòng chữ "Luôn bình yên"

Tối đến, Bamu Yubumu bế Laowu, cô bé chưa đầy 1 tuổi đi dạo dưới ánh trăng. Những đứa trẻ lớn luôn thích chơi đùa vòng quanh mẹ, cười nói vui vẻ. Chiếc mũ của em bé có thêu dòng chữ "Luôn bình yên" cũng là tâm nguyện của gia đình Bamu Yubumu.

Theo Trương Thi (Kienthuc.net.vn)




https://kienthuc.net.vn/doi-song-giai-tri/nguoi-me-trong-buc-anh-gay-chan-dong-lung-vac-nui-tay-om-hy-vong-sau-14-nam-gio-ra-sao-1951149.html