Lối Sống

Người thân đột nhiên ‘biến mất’, khi nào nên báo công an?

Thời gian gần đây, Công an Hà Nội Liên tục phát đi thông báo tìm người. Một người trong số đó được tìm thấy nhưng đã bị sát hại khiến nhiều người hoang mang. Vậy khi nào nên trình báo công an về người thân đột nhiên “biến mất”.

Gần đây, Công an Hà Nội liên tục phát đi thông báo tìm người. Trong số đó có trường hợp cô gái 21 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội bị mất liên lạc với gia đình. Khi tìm thấy cô cũng là cơ quan công an điều tra vụ 1 vụ án mạng thương tâm.

Cô gái tên LT.T.L. (SN 2003, ở thôn Thành Thắng, xã Luận Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa; trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với bao ước mơ đẹp đẽ còn đang ấp ủ đã bị sát hại rồi giấu xác vào tủ bếp và cướp tài sản.

Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định về thời gian một người mất tích bao lâu thì mới được trình báo với cơ quan công an.

Phải tùy vào từng trường hợp, từng vụ việc cụ thể để trình báo với cơ quan công an. Ví dụ: Dấu hiệu của một người mất tích do nghị bị giết hại, nghi bị bắt cóc sẽ khác với dấu hiệu của người bị mất tích do trải qua thiên tai, dịch bệnh…

Vì thế, nếu người thân mất tích và nhận ra có dấu hiệu tội phạm thì có thể báo ngay cho công an. Cùng với việc trình báo, nếu có bằng chứng hoặc đồ vật, tài liệu liên quan thì nên nộp kèm theo sẽ thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm, xử lý.

Cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo.

Vẫn theo luật sư, quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, một người chỉ được coi là bị mất tích khi có quyết định của tòa án tuyên bố người đó mất tích.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng.

Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Thủ tục tuyên bố một người mất tích quy định tại Điều 387, 388, 389 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, sau 2 năm biệt tích, nếu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến người bị nghi là đã mất tích gửi đến Tòa yêu cầu tuyên bố người đó mất tích thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ thông báo tìm kiếm người này.

Và sau khi kết thúc tìm kiếm trong thời gian 10 ngày, Tòa sẽ mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Nếu chấp nhận, Tòa án sẽ quyết định tuyên bố một người mất tích.

Như vậy, một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật nhưng vẫn không có tin tức về việc người đó còn sống hay đã chết thì người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu tòa án tuyên bố người đó mất tích.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/nguoi-than-dot-nhien-bien-mat-khi-nao-nen-bao-cong-an-2251771.html