Lối Sống

Nhờ mẹ chồng đưa đón cháu đi học, điều kiện bà đưa ra khiến con dâu 'đứng hình'

Ban đầu mẹ chồng tôi khăng khăng từ chối đưa đón cháu đi học. Nhưng sau đó, bà lại bất ngờ đưa ra một điều kiện khiến tôi đứng hình.

Tôi xuất thân từ nông thôn, lấy chồng về thành phố. Chồng tôi là con út trong gia đình có hai anh em trai. Trước đây bố mẹ chồng tôi có một ki ốt bán hàng ngoài chợ, tuy nhiên, sau khi bố chồng mất, mẹ chồng nghỉ để về tập trung quản lý khu trọ sau nhà với 10 phòng đang cho thuê.

Mẹ chồng tôi là người có tư tưởng khá tân tiến. Dù ở độ tuổi ngoài 50 nhưng bà vẫn rất trẻ trung, sành điệu. Bà tham gia nhiều lớp học khiêu vũ, yoga thậm chí là bơi lội. Sau khi về làm dâu, mẹ chồng thẳng thắn nói không thích chung đụng với con dâu nên cho chúng tôi ở riêng luôn. Trước đó, khi anh cả lấy vợ, bà cũng làm điều tương tự.

Mẹ chồng cho chúng tôi quyền lựa chọn. Một là có thể sửa sang lại một phòng trọ của gia đình để ở tạm đến khi mua được nhà, hai là vợ chồng tự lập thuê ở ngoài. Cả tôi và chồng đều thống nhất thuê một căn chung cư để ở. Tuy mỗi tháng mất thêm một khoản chi phí thuê nhà nhưng đổi lại, tôi thấy tự do, không bị phụ thuộc vào bố mẹ chồng.

Nhờ mẹ chồng đưa đón cháu đi học, điều kiện bà đưa ra khiến tôi muốn 'quay xe' - Ảnh 2.
Ảnh minh họa

Cưới xong không phải sống chung với mẹ chồng khiến cuộc sống của tôi rất thoải mái. Buổi sáng tôi ngủ dậy muộn cũng không bị ai phàn nàn. Buổi chiều tan làm, khi chăm thì tôi nấu cơm đợi chồng về, khi lười thì rủ chồng đi ăn ngoài cho "đổi gió". Thỉnh thoảng tôi cùng chồng cũng ghé chơi với mẹ vì chỗ ở của chúng tôi chỉ cách nhà bà hơn 3km.

Biết mẹ chồng thích đẹp, tôi còn chăm chỉ mua mỹ phẩm, váy vóc để tặng bà. Có lẽ vì thế mà tôi khá được lòng mẹ chồng. Bà hay khen tôi trước mặt mọi người, thậm chí còn khen tôi trước mặt cả bố mẹ đẻ tôi khiến ông bà cũng cảm thấy "mát lòng mát dạ".

Từ ngày lấy chồng, ai cũng nói tôi số hưởng khi có một bà mẹ chồng "quốc dân" với tư tưởng hiện đại, không bao giờ soi mói con dâu. Thú thực, tôi cũng công nhận điều đó.

Tuy nhiên, một điều tôi không thích ở mẹ chồng là bà sống vì bản thân quá nhiều, đôi khi không quan tâm đến cảm nhận của người khác, kể cả đó là những người thân ruột thịt.

Ngày tôi đi sinh ở bệnh viện, mẹ đẻ tôi ốm không lên chăm được, một mình tôi phải cắn răng chịu đau để chăm con. Mẹ chồng khi ấy chỉ vào bế cháu, cưng nựng cháu rồi về vì bà còn bận đi gặp các cô bác trong câu lạc bộ khiêu vũ.

Rồi những ngày tôi ở cữ, mẹ chồng cũng chỉ ngó qua xem cháu đã tăng được lạng nào chưa chứ không bao giờ giặt giúp tôi một cái tã hay nấu cho tôi một bữa ăn nào cả. Mọi việc bà phó mặc cho vợ chồng tôi tự làm.

Suốt từ lúc con tôi được sáu tháng đến bây giờ là hai tuổi, tôi phải nhờ mẹ đẻ ốm yếu, bệnh tật từ quê lên trông cháu giúp. Giờ bệnh tái phát, bà phải về quê ở hẳn để điều trị. Còn mẹ chồng tôi luôn rảnh rỗi rồi tụ tập bạn bè nhưng hễ nhắc đến trông cháu là y như rằng bà kêu mệt không sang được.

Đỉnh điểm mới đây, khi con tôi bắt đầu vào mầm non, tôi có nhờ mẹ chồng hỗ trợ đưa đón cháu giúp vì cả tôi và chồng đều phải đi làm sớm và tan làm muộn. Trong khi trường học của con tôi lại ở ngay cạnh nhà bà.

Ban đầu mẹ chồng tôi khăng khăng từ chối vì nói những khung giờ đó bà bận đi nhảy, đi tập rồi đi bơi, không thể nghỉ được. Nhưng sau đó, bà lại bất ngờ đưa ra một bài toán khiến tôi đứng hình.

"Bây giờ kiếm người khó lắm, thuê giúp việc ít nhất cũng phải trả 8-9 triệu một tháng, vừa phải bao ăn, bao ở lại phải chiều chuộng hết mực thì họ mới ở. Nếu hai đứa cần người đưa đón con đi học thì thuê theo kiểu trả lương theo giờ.

Mẹ cũng rất nhiều việc nhưng thôi, mẹ hy sinh vì con vì cháu, mỗi ngày mẹ lấy rẻ 150 nghìn thôi, coi như tiền ăn quà vặt của hai bà cháu. Đồng ý thì làm cái thỏa thuận cho sòng phẳng. Thuê được bà nội này là quá yên tâm rồi đấy".

Quả thực, tôi như không tin vào những gì mẹ chồng nói. Tôi biết bà là người coi trọng vật chất, tuy nhiên, tôi không ngờ bà lại tính toán thiệt hơn đến thế. Tôi có thể mua biếu bà những hộp mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng tiền triệu mà không toan tính gì. Còn bà thì hoàn toàn ngược lại.

Ngày con tôi còn bú mớm, bà mua cho cháu hộp sữa vài trăm nghìn mà đi khoe khắp nơi như thể con tôi phải nhờ có sữa bà mua mới lớn được. Giờ nhờ bà đưa đón cháu đi học thì bà lấy tiền ra để thương lượng.

Tôi biết, chúng tôi có con thì phải tự lo, không thể ỷ lại cho mẹ chồng, bà cũng không có nghĩa vụ phải đưa đón con cho tôi. Thế nhưng, điều kiện bà đưa ra khiến tôi phải suy nghĩ lại. Không phải tôi không có tiền để trả theo yêu cầu của bà mà vì tôi thấy nó đã vượt qua giới hạn của tình thân máu mủ ruột thịt, chẳng khác nào người dưng...

Theo Hồng Thi (Giadinh.suckhoedoisong.vn)




https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nho-me-chong-dua-don-chau-di-hoc-dieu-kien-ba-dua-ra-khien-toi-muon-quay-xe-172230910032445773.htm