Lối Sống

Thực hư thịt trữ ngăn đá nhiều ngày gây ung thư?

Thức ăn dư thừa sau Tết là nỗi lo, "gánh nặng" của các gia đình. Việc bảo quản, sơ chế thức ăn thừa nếu không biết cách sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ với VnExpres, việc thừa thịt lợn rồi tích trữ ở ngăn đá tủ lạnh sau Tết là tình trạng của nhiều gia đình. Nhiều thông tin cho rằng thịt để tủ lạnh lâu ngày có thể sinh các độc tố gây bệnh ung thư là không chính xác. Tuy nhiên, thịt để càng lâu sẽ càng hao hụt dinh dưỡng, nguy cơ sinh độc tố, gây hại sức khỏe.

Thời hạn tối đa bảo quản thịt trong ngăn đá tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại thịt, nhiệt độ. Trong đó, nhiệt độ là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu để nhiệt độ quá cao, thịt sẽ dễ ôi thiu, hỏng do đây là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Ngược lại, nếu để thịt trong tủ lạnh với nhiệt độ quá thấp sẽ bị đông đá, mất nước, thậm chí là biến chất.

Thực hư thịt trữ ngăn đá nhiều ngày gây ung thư?
Ảnh minh họa: Internet

Nhìn chung, thịt được đóng gói để mang đi xuất khẩu sẽ được bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ rất thấp, -50 độ C, có thể để 6 tháng. Còn với tủ lạnh gia đình, ngăn đông chỉ khoảng từ -12 đến -18 độ C, thịt có thể để được đến một tháng. Vì vậy, gia đình bạn để thịt trong tủ lạnh một tháng, khi bỏ ra rã đông vẫn có thể ăn.

Tuy nhiên, nếu để tủ lạnh quá lâu, vi sinh vật sẽ thích ứng, hoạt động và phát triển chậm, từ đó sinh ra độc tố, gây các bệnh khác. Bên cạnh đó, bất kể thực phẩm nào, không chỉ riêng thịt, để trong tủ lạnh quá lâu thì các thành phần của chúng bị biến đổi. Thịt không có dấu hiệu ôi thiu, chế biến cũng không thể thơm ngon được như lúc tươi sống. Tốt nhất, bạn cố gắng ăn hết sớm, không nên để quá lâu.

3 kiểu bảo quản thịt trong tủ lạnh sản sinh chất gây ung thư

1. Bảo quản thịt thừa bằng màng bọc thực phẩm từ ngày này qua ngày khác

Màng bọc thực phẩm - cả loại màng bọc thực phẩm sản xuất bằng nhựa PE vốn được đánh giá là có chất lượng đảm bảo cũng không nên lạm dụng vì vẫn có nguy cơ thôi nhiễm ra thực phẩm. Để càng lâu càng dễ sản sinh chất gây ung thư.

Nhất là những gia đình có thói quen bọc thịt chín còn thừa vào tủ lạnh, dùng nhiều lần sau đó chứ không phải một lần duy nhất. Việc lôi ra rồi lại bọc lại thịt bằng màng bọc thực phẩm cũng khiến vi khuẩn sản sinh nhanh hơn. Lúc này, bên cạnh nguy cơ thôi nhiễm, thực phẩm cũng dễ bị vi khuẩn tấn công hơn.

Thực hư thịt trữ ngăn đá nhiều ngày gây ung thư? - 1
Ảnh minh họa: Internet

2. Không đậy kín thịt còn thừa trước khi cho vào tủ lạnh

Sau khi hết bữa cơm, thức ăn còn thừa được cất vào tủ lạnh để dùng cho bữa sau. Thịt cũng không ngoại lệ. Nhiều người vì tiện tay, nghĩ dùng để ăn cho bữa sau là thôi không cần che đậy gì cả, cứ thế cất thẳng vào tủ lạnh. Điều này không hề tốt như bạn vẫn nghĩ.

Trong tủ lạnh còn chứa rất nhiều các loại thực phẩm khác. Dù ở nhiệt độ lạnh, chúng vẫn có thể sinh sôi vi khuẩn. Khi thịt cất tủ lạnh không được che chắn cẩn thận thì nguy cơ lây nhiễm chéo từ những loại thực phẩm sống khác sang là chuyện khó tránh. Ăn loại thịt này vào bữa tiếp theo cũng tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, về lâu dần có thể gây bệnh mãn tính như ung thư.

3. Bảo quản thịt quá lâu trong tủ lạnh bằng túi ni lông

Nhiều người có tư tưởng mua thịt sạch tích trữ đầy trong tủ lạnh ở ngăn đá ăn dần. Chỉ cần bỏ vào túi ni lông buộc chặt, chúng ta cất vào ngăn lạnh nhất trong tủ lạnh là yên tâm. Tuy nhiên, sử dụng túi ni lông gói, bọc thực phẩm nói chung chứ không riêng gì thịt sẽ dẫn đến khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm, gây hại sức khỏe khi chúng ta hấp thụ vào cơ thể.

Nghiên cứu của đại học Pennsylvania (Mỹ) cũng cho thấy, đựng thực phẩm trong túi ni lông hay túi nhựa nói chung đều có thể gây ra những nguy hiểm về sức khỏe. Xét về thành phần hóa chất tạo nên chiếc túi ni lông, các nhà nghiên cứu thấy có BPA và DEHP. Trong đó, BPA có liên quan đến bệnh béo phì và khiến vòng eo lớn hơn ở nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo Chương trình quốc gia nghiên cứu về độc học (NTP) và Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC), BPA còn tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đây cũng là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao.

Khi cho thịt vào tủ lạnh cần chú ý điều gì?

Để riêng với các thực phẩm khác: Một số thực phẩm có mùi vị nồng, nếu trộn nhiều loại nguyên liệu với nhau và để lâu trong tủ lạnh sẽ bị chuyển mùi vị, ảnh hưởng đến mùi vị của thịt, các thực phẩm khác cũng sẽ bị nhiễm mùi thịt của thịt và cần được bảo quản riêng.

Thực hư thịt trữ ngăn đá nhiều ngày gây ung thư? - 2
Ảnh minh họa: Internet

Làm sạch trước khi cho vào tủ lạnh: Nhiều người để thịt vào tủ lạnh mà không rửa sạch, nhưng hầu hết thịt sau khi mua về đều có một ít máu, đặc biệt là thịt gia cầm mới giết mổ, nếu có máu là thịt chưa được làm sạch, mùi tanh. Thịt cần được làm sạch trước khi cho vào tủ lạnh để loại bỏ vết máu, có thể làm cho thịt ngon hơn sau khi bảo quản.

PN (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/thuc-hu-thit-tru-ngan-da-nhieu-ngay-gay-ung-thu-d208379.html