Lối Sống

Từ vụ thầy hiệu trưởng đột quỵ tại lễ khai giảng: Dấu hiệu cảnh báo và 'giờ vàng' thoát hiểm

Trong lúc đọc diễn văn tại lễ khai giảng năm học mới, Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim bất ngờ ngã quỵ, sau đó tử vong.

Ngày 5/9, thông tin từ UBND huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, trong lúc đọc diễn văn khai giảng năm học mới 2023 - 2024, thầy Trương Văn Lai, Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim, thị trấn Tràm Chim (Tam Nông) bị đột quỵ, tử vong.

Theo đó, vào sáng cùng ngày, Trường THPT Tràm Chim tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Thầy Trương Văn Lai (45 tuổi), Hiệu trưởng nhà trường đang đọc diễn văn thì bất ngờ ngã quỵ, cơ thể tím tái.

Từ vụ thầy hiệu trưởng đột quỵ tại lễ khai giảng: Dấu hiệu cảnh báo và 'giờ vàng' thoát hiểm
Ngôi trường xảy ra sự việc đau lòng.

Sau đó thầy Lai được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Theo chẩn đoán ban đầu thầy Lai tử vong do đột quỵ. Lễ khai giảng của trường cũng tạm dừng sau đó.

UBND huyện Tam Nông cho biết thêm, kết quả khám sức khỏe định kỳ của thầy Lai hồi tuần trước cho thấy, thầy có sức khỏe bình thường, theo Báo Lao Động.

Dấu hiệu nào nhận biết sớm cơn đột quỵ

Theo Sức khỏe & Đời sống, đột quỵ não là bệnh nguy hiểm - nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên thế giới chỉ sau ung thư và tim mạch. Việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh từ sớm sẽ giúp phòng ngừa và hạn chế tối đa di chứng mà đột quỵ não gây ra.

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đột quỵ não:

- Thị lực giảm: Các triệu chứng như hoa mắt, nhìn 1 hóa 2, mờ hoặc mất thị lực ở một mắt có thể là dấu hiệu của đột quỵ não.

- Dấu hiệu trên khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhận thấy khi bị đột quỵ não là mặt méo, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. Dấu hiệu này nhận thấy rõ hơn khi người bệnh cười.

- Sự bất thường ở tay, chân: Người bị đột quỵ não có thể thấy một số bất thường ở tay diễn tiến từ từ như: Tê mỏi một bên tay, gặp khó khăn trong thao tác, đi dễ vấp ngã, bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường, nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép,…

Từ vụ thầy hiệu trưởng đột quỵ tại lễ khai giảng: Dấu hiệu cảnh báo và 'giờ vàng' thoát hiểm - 1
Ảnh minh họa: Internet

- Khác lạ trong lời nói: Một số người bị đột quỵ não có triệu chứng nói khó, nói không rõ, chậm chạp và ngắc ngứ hơn bình thường hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Khi đó, bạn có thể yêu cầu người bệnh nhắc lại một vài câu đơn giản để kiểm tra tình trạng khó nói của họ.

- Đau nửa đầu: Trong một số trường hợp, tình trạng đau nửa đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị đột quỵ não. Điều này được lý giải rằng, trong cơn đột quỵ não, lưu lượng máu đến não bị chặn hoặc cắt đứt do mạch máu não tắc nghẽn, từ đó gây ra những tổn thương dẫn đến một cơn đau nửa đầu đột ngột hoặc đau cả vùng đầu.

Cách xử trí khi gặp người có dấu hiệu đột qu

Báo Dân trí dẫn lời BS Nguyễn Văn Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ thường giới hạn trong 3-4,5 giờ kể từ khi người bệnh có những dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.

Giờ vàng cấp cứu đột quỵ có vai trò quan trọng trong cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.

"Khi người thân có những biểu hiện nghi đột quỵ, mọi người cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đồng thời nhận sự hướng dẫn của nhân viên y tế, về các biện pháp sơ cứu bệnh nhân tại chỗ.

Bệnh nhân được sơ cứu đúng và đưa đến bệnh viện càng sớm, càng hạn chế được những tổn thương lên não bộ", BS Hùng nhấn mạnh.

Từ vụ thầy hiệu trưởng đột quỵ tại lễ khai giảng: Dấu hiệu cảnh báo và 'giờ vàng' thoát hiểm - 2

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý 3 điều tuyệt đối không được làm khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

- Không tự ý cho người bệnh uống thuốc.

- Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.

- Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện.

HL (SHTT)




https://sohuutritue.net.vn/tu-vu-thay-hieu-truong-dot-quy-tai-le-khai-giang-dau-hieu-canh-bao-va-gio-vang-thoat-hiem-d180301.html