Lối Sống

Vợ chồng cãi nhau vì chuyện tài chính: Tổn thương do tiền bạc sẽ đẩy hôn nhân xuống vực thẳm!

Trên đời này có bao nhiêu cặp đôi cãi nhau, thậm chí ly hôn vì tiền? Có thể nhiều và có thể ít. Nhưng nếu một cặp đôi làm tổn thương mối quan hệ vì tiền thì chắc chắn nó sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nào đó, thậm chí rất có thể họ sẽ không bao giờ ở bên nhau được nữa.

01

Minh Hoàng và Thu Quỳnh quen biết và đến với nhau vì cùng công ty. Ngặt một nỗi công ty lại có quy định đồng nghiệp không được phát triển mối quan hệ hay kết hôn nên cả hai hẹn hò bí mật.

Đến khi cả hai đăng ký kết hôn, Hoàng nói với vợ: “Em biết đấy, công việc của anh rất khó đến tìm được công việc tương tự với mức lương như hiện tại. Hơn nữa chúng ta còn phải trả tiền thế chấp nhà nữa để làm đám cưới nhé? Em là phụ nữ, có thể dễ dàng tìm được một công việc nhẹ nhàng, anh sẽ luôn chăm sóc em”.

Khi đó Quỳnh nghĩ rất đơn giản, dù gì cả hai cũng đã là vợ chồng, là gia đình nên chịu thiệt một chút cũng được. Cô quyết định nghỉ việc.

Nhưng nhảy việc thì dễ, tìm được việc mới khó.

Quỳnh vốn làm việc trong lĩnh vực công nghệ nhưng vị trí đang đảm nhận thì không dễ tìm. Sau đó cô bất đắc xin làm lễ tân ở một công ty gia đình. Công việc này không chỉ lương thấp mà cô thường bị vợ chồng giám đốc xem như giúp việc trong nhà, việc gì cũng đến tay.

Một ngày cuối tuần nọ, bà chủ gọi điện lúc 9h tối và yêu cầu cô quay lại công ty làm việc lúc 9h tối để làm thêm giờ. Quỳnh từ chối và sáng thứ 2 sau đó, cô bị sa thải. Dẫu vậy cô không hề buồn bã mà lại cảm thấy nhẹ nhõm mà muốn nhân dịp này có em bé.

Đối với quyết định của vợ, Hoàng không can thiệp nhưng cũng không tán thành.

Vợ chồng cãi nhau vì chuyện tài chính: Tổn thương do tiền bạc sẽ đẩy hôn nhân xuống vực thẳm!
(Ảnh minh họa)

02

Khi Quỳnh mới nghỉ việc, cô vẫn còn một ít tiền tiết kiệm từ trước khi kết hôn. Hơn nữa cô cũng thấy xấu hổ khi xin tiền chồng nên cả hai không có mâu thuẫn gì về tiền bạc, cuộc sống trôi qua bình yên.

Một thời gian sau, Quỳnh có thai và cô cũng không có ý định đi tìm việc. Đối với Hoàng, vợ có thai là tin vui nhưng anh không thể hiện qua nhiều cảm xúc.

Dần dần, số tiền tiết kiệm của Quỳnh cũng cạn dần. Nhưng ngay cả khi số dư tài khoản của cô chỉ còn vài trăm nghìn thì Hoàng vẫn chưa từng thực hiện lời hứa “Anh sẽ chăm sóc em”. Khi Quỳnh hỏi, thái độ của chồng rất khó chịu và kiên quyết không đưa tiền: “Sau khi chúng ta kết hôn, anh đã trả tiền nợ mua nhà, anh cũng trả tiền điện nước sinh hoạt hàng ngày. Sao em có thể ngửa tay ra xin tiền anh nhỉ?”.

Thu Quỳnh cảm thấy choáng váng trước lời nói này. Hàng ngày cô vẫn phải chi tiền cho cả 2 vợ chồng như rau quả và đồ ăn nhẹ. Cô đã không đi làm gần 1 năm nay nhưng chưa từng xin tiền chồng và đây là lần đầu tiên. Chưa kể, cô vẫn đang mang thai đứa con của anh.

Cuối cùng Hoàng vẫn không đưa cho vợ một xu.

Quỳnh không còn cách nào khác, đành phải về mượn tiền bố mẹ đẻ và tìm được một công việc tạm thời nhờ mối quan hệ với các đồng nghiệp cũ. Dù phải chi tiêu tằn tiện nhưng vẫn hơn là không có tiền.

Đến gần ngày sinh con, Quỳnh biết mình không thể trông cậy vào chồng nên lại nhờ bố mẹ giúp đỡ và ứng trước lương để chào đón em bé đầu lòng. Và khi con được 2 tháng, cô gửi bé cho bà ngoại chăm sóc và đi tìm việc làm.

Mọi người không hiểu chuyện đều nói Quỳnh nhẫn tâm, cai sữa cho con sớm như vậy. Nhưng chỉ ai ở trong hoàn cảnh mới hiểu được, Hoàng vẫn không đưa cho vợ đồng nào để nuôi con. Đôi khi vợ chồng còn cãi nhau chỉ vì cô muốn mua quần áo và đồ dùng tốt cho con.

Cuối cùng sự nỗ lực của Thu Quỳnh cũng được đền đáp, cô tìm được một công việc tương đối tốt sau 3 tháng đi xin việc. Sau khi đi làm và có lương, Quỳnh không chi trả các khoản tiền chung của gia đình mà chỉ tập trung quan tâm vào con và bản thân.

Điều này vốn dĩ không phải là vấn đề nhưng vì kinh tế khó khăn, thu nhập của chồng cô đã giảm rất nhiều, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị sa thải. Trước tình huống này, Hoàng nói vợ vợ: “Tại sao em không chịu chi trả các khoản phí sinh hoạt gia đình? Bây giờ anh đang gặp khó khăn, lẽ ra em phải biết ý mà làm việc đó chứ!”.

Nếu Hoàng không đề cập đến tiền thì không sao nhưng vì anh nhắc đến nên Quỳnh rất tức giận: “Khi tôi mang thai, anh không đưa một xu. Anh không phải mang thai hay sinh con sẽ không biết việc đó vất vả thế nào. Cuộc hôn nhân này, nếu anh có thể sống chung như vậy thì tiếp tục, còn không thì hãy ly hôn đi. Tôi không quan tâm”. Đến cả ly hôn vợ cũng đã nói ra rồi, Hoàng im lặng không còn gì để nói thêm nữa.

Vợ chồng cãi nhau vì chuyện tài chính: Tổn thương do tiền bạc sẽ đẩy hôn nhân xuống vực thẳm! - 1
(Ảnh minh họa)

03

Trên thực tế, Quỳnh hiểu rằng cô không còn cảm thấy tình cảm sâu đậm với chồng nữa, cả hai chỉ đang sống tạm bợ qua ngày. Nói chính xác hơn, trái tim cô đã chết lặng kể từ lần đầu tiên Hoàng từ chối đưa tiền cho cô và khi cô mang thai rồi sinh con mà chồng không đưa một đồng nào.

Một người phụ nữ sẵn sàng từ bỏ công việc tốt vì gia đình, lùi về hậu phương để chăm sóc người đàn ông của mình, chấp nhận mạo hiểm sức khỏe để sinh con cho anh ta. Từ đầu đến cuối đều là quyết định dũng cảm! Nhưng thật đáng tiếc, mọi thứ đều bị hủy hoại vì sự ích kỷ của người đàn ông.

Thu Quỳnh nhận ra rằng phụ nữ chỉ có thể dựa vào chính mình mà tồn tại. Vì vậy cô quyết tâm đi làm khi con mới 2 tháng tuổi, cô cũng thờ ơ khi thấy chồng chật vật trả nợ thế chấp. Cô không xin tiền chồng và càng không tiêu một xu cho anh ta.

Nếu một cặp đôi làm tổn thương mối quan hệ vì tiền thì chắc chắn nó sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nào đó, thậm chí rất có thể họ sẽ không bao giờ ở bên nhau được nữa. Có lẽ Quỳnh nên biết ơn vì sự tuyệt tình của chồng mà cô quyết đi làm trở lại, có thu nhập để nuôi sống bản thân và con. Cô không sợ ly hôn và sẽ không bao giờ nghỉ việc hay để tương lai phụ thuộc vào một người đàn ông nữa.

Kỳ thực phụ nữ nên như vậy. Hôn nhân có tốt đẹp đến đâu, người đàn ông của bạn có hứa hẹn ngọt ngào thế nào thì cuối cùng, người duy nhất bạn có thể dựa vào là chính mình.

Phụ nữ vốn dĩ đã rất vất vả. Sau khi lấy chồng, họ phải tiếp tục làm việc, chăm sóc gia đình, sinh con, chăm sóc con cái. Nhưng bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng không thể chỉ dựa vào bản thân người phụ nữ mà đòi hỏi hai người phải cùng nhau nỗ lực để đạt được hạnh phúc.

Đàn ông đi làm, phụ nữ cũng đi làm nên những việc nhỏ nhặt trong gia đình phải do cả hai chia sẻ. Con cái là của hai người thì cũng phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm nuôi nấng nó.

Cuối cùng, dù ở thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, phụ nữ có thể dốc lòng cho gia đình và chồng con nhưng cũng cần nghĩ đến bản thân và chừa cho mình một đường lùi.

Theo S.A (Phụ nữ Việt Nam)




https://phunuvietnam.vn/vo-chong-cai-nhau-vi-chuyen-tai-chinh-ton-thuong-do-tien-bac-se-day-hon-nhan-xuong-vuc-tham-20230831231535418.htm