Một số trường hợp đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, có trường hợp đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt đến 7 năm tù.
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian mà nhiều trò chơi cờ bạc xuất hiện như tá lả, xóc đĩa, tổ tôm, tam cúc, đá gà, tài xỉu.... Bên cạnh đó cũng có nhiều người có thú vui đánh bài với mục đích vui vẻ, giải trí và nghĩ rằng việc này không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, một số trường hợp đánh bạc sẽ bị xử phạt hành chính. Thậm chí bị xử lý hình sự với mức án đến 7 năm tù.
Theo Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ trên báo Lao Động, nếu cùng bạn bè, người thân chơi bài chỉ với mục đích giải trí, sẽ không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu chơi bài có cá cược, ăn tiền và có dấu hiệu của hành vi đánh bạc trái phép thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Khi nào đánh bài bị xử phạt hành chính?
Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nêu rõ, người chơi đánh bài có tính chất được thua bằng tiền có giá trị từ 5 triệu đồng trở xuống thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi đánh bạc bằng hình thức như xóc đĩa, tá lả, tú lơ khơ, cào ba lá, tứ sắc, tiến lên… hoặc hình thức khác với mục đích thắng thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.
Phạt tiền 2-5 triệu đồng với hành vi như nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại nơi đánh bạc, giúp sức che giấu việc đánh bạc trái phép.
Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác đánh bạc trái phép, dùng nhà, chỗ ở, phương tiện hoặc địa điểm khác để chứa bạc.
Luật sư Lực cho biết thêm, ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tịch thu tiền đánh bạc trái phép mà có.
Khi nào đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự?
Nếu đánh bài giải trí hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội Đánh bạc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đánh bạc có nêu rõ: "Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, nếu người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật có trị giá 50 triệu đồng trở lên... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất là 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Người ngồi xem đánh bạc trong dịp Tết có vi phạm pháp luật không?
Việc một nhóm người đánh bài và nhiều người ngồi xem xung quanh, cổ vũ là chuyện không hiếm gặp trong các dịp tết đến xuân về. Vậy việc ngồi xem đánh bài bạc có vi phạm pháp luật không?
Chia sẻ về vấn đề này Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, ại Việt Nam, có rất nhiều trường hợp khi công an ập vào bắt nhóm đối tượng đánh bạc vô tình bắt luôn cả người ngồi xem.
Tại Bộ Luật hình sự 2015 chỉ quy định về xử phạt đối với tội đánh bạc mà không đề cập cụ thể hành vi ngồi xem đánh bạc. Do đó, theo luật sư Vinh, việc chứng minh một người tham gia đánh bạc hay chỉ ngồi xem đánh bạc sẽ căn cứ vào kết quả tài liệu xác minh, điều tra thu thập được của cơ quan chức năng.
Nếu cơ quan công an có đủ tài liệu chứng minh một người chỉ ngồi xem đánh bạc" mà không tham gia đánh bạc thì sẽ không bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người ngồi xem đánh bạc cũng có thể bị tịch thu tiền, tang vật có trong người do có nghi ngờ đây là tang vật đánh bạc. Nếu người ngồi xem chứng minh được tài sản này không để dùng đánh bạc thì sau khi kết thúc vụ án sẽ được hoàn trả.
Tuy nhiên, luật sư Vinh cũng cho rằng việc chứng minh này không hề dễ dàng.
Theo Trang Anh - Tổng hợp (Đời sống & Pháp luật)