Pháp luật

Đường dây mua bán nam giới xuyên quốc gia, nạn nhân bị ép gọi điện ‘dụ mồi’

Các nạn nhân trong đường dây này bị giam lỏng trong khu biệt lập, bị canh gác bởi bảo vệ có trang bị vũ khí, không được tự do ra ngoài và bị ép gọi điện “dụ mồi”...

Ngày 8/4, TAND TP Hà Nội đưa Phạm Xuân Thanh (SN 1984, ở Lâm Đồng) và 6 bị cáo khác ra xét xử về các tội Mua bán người và Đánh bạc.

Trước đó, khoảng tháng 2/2022, do không có việc làm, Phạm Xuân Thanh (tên thường gọi là Thanh Nô) truy cập vào mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc. Thấy hội người Việt Nam bên Campuchia có đăng bài tuyển đầu bếp với mức lương 700 USD/tháng, làm việc tại Casino ở Campuchia, Thanh đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh, làm thủ tục xuất cảnh sang Phnompenh - Campuchia để xin việc làm.

Sang đến đất khách quê người, Thanh tìm đến công ty đã đăng tin (là công ty do người Trung Quốc quản lý) để ký hợp đồng làm nhân viên phụ bếp với thời hạn 6 tháng.

Quá trình làm việc, Thanh xin chuyển sang bộ phận "chăm sóc khách hàng" để có thu nhập cao hơn. Làm việc ở bộ phận này, nhiệm vụ của Thanh là gọi điện thoại mời chào người Việt Nam tham gia chơi các sàn chứng khoán, Game bài nạp tiền..., rồi sau đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Thời gian làm việc ở đây, Thanh biết rằng, nếu đưa được người vào làm việc tại đây, quản lý người Trung Quốc sẽ trả cho người môi giới 2.000USD/người. Do vậy, Thanh xin nghỉ việc và bỏ ra ngoài, thuê nhà ở khu vực giáp bờ sông trung tâm tỉnh Svay Rieng - Campuchia, với mục đích tìm người bán vào công ty của người Trung Quốc để thu lợi bất chính.

Đường dây mua bán người xuyên quốc gia

Thanh rủ bạn là Nguyễn Việt Anh (SN 1990, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) sang Campuchia cùng làm ăn. Thanh thỏa thuận với bạn rằng, anh có cổ phần ở công ty game và công ty này cần tuyển người vào làm. Thanh sẽ trả cho Việt Anh 300USD/người mà Việt Anh giới thiệu. 

Đến cuối tháng 3/2022, Việt Anh rủ Trần Xuân Hiếu (SN 1988, ở quận Hà Đông, Hà Nội) từ Việt Nam sang Campuchia cùng làm ăn với Việt Anh.

Đầu tháng 4/2022, Việt Anh thỏa thuận với Nguyễn Hoàng Nam (SN 1988, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc, Nam ở trong nước tìm người đưa sang Campuchia, Việt Anh sẽ trả cho Hoàng Nam 100 USD/người và Hoàng Nam đồng ý.

Theo thỏa thuận giữa các bị cáo, Nam tìm người ở Việt Nam có nhu cầu đi lao động tại Campuchia, còn Việt Anh cùng Hiếu và Thanh ở Campuchia hướng dẫn người lao động (bị hại) thủ tục làm Visa, đi đến cửa khẩu, xuất cảnh sang Campuchia và đón ở cửa khẩu.

Từ cuối tháng 3/2022 đến cuối tháng 4/2022, các bị cáo đã phối hợp với nhau tìm người Việt Nam, giới thiệu cho Thanh. Sau đó, Thanh bán những người này vào Công ty của người Trung Quốc.

Tại đây, các bị hại đều bị thu hộ chiếu, yêu cầu ký hợp đồng bằng tiếng Trung Quốc, bố trí ăn ở trong khu biệt lập, bị canh gác bởi bảo vệ có trang bị vũ khí, không được tự do ra ngoài khu vực Công ty.

Kết quả điều tra cho thấy, những người bị hại đều bị ép buộc sử dụng máy tính, mạng xã hội gọi điện, nhắn tin lừa đảo chính những người Việt Nam tham gia vào các trang Website cờ bạc, các sàn chứng khoán, tiền ảo…, yêu cầu chuyển khoản tiền để chiếm đoạt.

Họ thậm chí bị ép chỉ tiêu, nếu không làm được sẽ tiếp tục bị bán sang các Công ty khác, bị đánh đập và cưỡng bức lao động. Khi họ muốn nghỉ việc, quản lý người Trung Quốc bắt họ phải nộp từ 3.000- 8.000 USD mới được nghỉ việc.

Cáo buộc cho rằng, từ cuối tháng 3/2022 đến ngày 30/4/2022, Thanh bán 3 người cho Công ty Trung Quốc. Trong số các nạn nhân có anh Phạm Duy T. (SN 1989, bạn của Nam). Đầu tháng 4/2022, nghe lời Nam rủ rê, anh T. sang Campuchia để rồi sau đó bị bán.

Nạn nhân bị đưa vào “biệt khu” có tên gọi “Tam thái tử”, cách cửa khẩu Long Bình – An Giang của Việt Nam khoảng 3km để làm việc. Công việc của anh T. là sử dụng các trang mạng xã hội, lôi kéo người Việt Nam tham gia trò chơi đánh bạc trên mạng Internet.

Làm việc được khoảng 1 tháng và được trả 700 USD, anh T. thấy công việc không giống như lời Nam giới thiệu nên xin nghỉ việc. Công ty này yêu cầu anh T. phải bồi thường 8.000 USD.

Do không có tiền, anh T. phải ở lại làm việc và đến ngày 15/6/2022, anh cùng 20 người Việt Nam khác bỏ trốn vào rừng và may mắn gặp được Bộ đội Biên phòng Việt Nam nên sau đó được về nước.

Cơ quan tố tụng xác định, từ cuối tháng 3- 4/2022, Việt Anh và Nam không biết việc bán người của Thanh nên không đồng phạm. Từ sau 30/4/2022, Việt Anh, Nam, Hiếu không làm cùng với Thanh nữa mà có hành vi đưa người sang Campuchia và liên hệ để bán người cho công ty của Trung Quốc. Ba bị cáo này bán người có tên Nguyễn Bảo Khánh (SN 1994, ở Đống Đa, Hà Nội) với giá 2.000 USD.

Sau đó, Nam lại thỏa thuận, trả công bị cáo Khánh 5 triệu đồng/người nếu tìm được người. Khánh sau đó đã lừa gạt và cùng Nam, Hiếu bán anh Nguyễn Hoài N.

Theo cáo buộc, Thanh mua bán 3 người, hưởng lợi hơn 117 triệu đồng; Nam mua bán 2 người hưởng lợi 46,9 triệu đồng; Hiếu mua bán 2 người hưởng lợi hơn 1,3 triệu đồng. CQĐT còn làm rõ, Nam Nguyễn Thị Lan (SN 1968, ở Tây Hồ, Hà Nội) và  Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1967, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hành vi đánh bạc.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thanh mức án 10 năm tù về tội Mua bán người; Nam 9 năm 3 tháng tù về tội Mua bán người và Đánh bạc. Các bị cáo khác nhận án từ 8 tháng- 7 năm 6 tháng tù.

Theo T.Nhung (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/duong-day-mua-ban-nam-gioi-xuyen-quoc-gia-nan-nhan-bi-ep-goi-dien-du-moi-2268409.html