Pháp luật

Giết khỉ khoe TikTok có thể phải ngồi tù tới 12 năm?

Đoạn video dài 18 giây ghi lại cảnh đang nướng cháy một cá thể khỉ được đăng tải trên tài khoản TikTok @hoahoang2701 đã gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.

Video ghi lại cảnh đang nướng cháy một con khỉ đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem và bình luận trên TikTok. Nhiều người cho rằng cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm hành vi dã man này.

Đáng buồn là hiện tượng này không phải hiếm gặp. Cách đây không lâu, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, một nhóm người đã tham gia giết khỉ ăn óc sống uống rượu rồi đăng lên facebook. Sau khi làm rõ danh tính nhóm người này, cơ quan công an đã triệu tập họ để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.

Còn tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một tài khoản đã đăng tải nhiều bức ảnh chụp nam thanh niên treo cổ con khỉ màu nâu nhạt trên tay và ảnh một con khác đang bị giết hại.

Giết khỉ khoe TikTok có thể phải ngồi tù tới 12 năm? ảnh 1
Tài khoản TikTok đăng tải hình ảnh đang nướng cháy một con khỉ khiến nhiều người phẫn nộ.

Phân tích các sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc các cá nhân đăng các ảnh, clip khoe chiến công giết khỉ, chim quý trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm. Nghị định 32/2006/NĐ-CP cũng nêu rõ, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB- động vật rừng – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao, làm thịt là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Điều 234 BLHS 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150-dưới 500 triệu đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300-dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì bị phạt tù từ 7-12 năm.

Còn theo Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm…thì bị phạt tiền từ 500 triệu -2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3 thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, để giải quyết tình trạng trên, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần kiên quyết nói không đối với việc giết hại, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã kẻo tự đẩy mình vào vòng lao lý.

Theo H.L (An Ninh Thủ Đô) 




https://www.anninhthudo.vn/giet-khi-khoe-tiktok-co-the-phai-ngoi-tu-toi-12-nam-post530642.antd