Pháp luật

Hot girl lừa đảo Tina Duong không cần luật sư bào chữa, vì sao không được 'toại nguyện'?

Công an tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, yêu cầu phân công người bào chữa cho Ninh Thị Vân Anh dù bị can cùng người nhà bị can không có "nhu cầu".

Như tin đã đưa, ngày 2/11, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi VKSND cùng cấp và Đoàn Luật sư tỉnh này về việc yêu cầu phân công người bào chữa cho bị can Ninh Thị Vân Anh (tức Tina Duong, 27 tuổi, ngụ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

Hot girl lừa đảo Tina Duong không cần luật sư bào chữa, vì sao không được 'toại nguyện'?
Ninh Thị Vân Anh tại cơ quan công an. Ảnh: PLO

Động thái này được thực hiện sau khi Vân Anh không mời luật sư bào chữa cho mình trong vụ án. Như vậy, theo quy định pháp luật, những trường hợp nào bị can/bị cáo buộc phải có người bào chữa?!.

Trước đó, ngày 13/10, Ninh Thị Vân Anh bị Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4, Điều 175 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tổng hợp ý kiến của các luật sư Phạm Tuấn Anh và Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) chia sẻ trên báo Pháp Luật TPHCM, theo Điều 76 BLTTHS (quy định về chỉ định người bào chữa) trong các trường hợp sau nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

- Bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

- Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Trong các trường hợp trên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Ở vụ án của “hot girl” Tina Duong, bị can bị khởi tố theo khoản 4 Điều 175 BLHS có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù nên khi bị can không mời luật sư thì phải chỉ định người bào chữa.

Về mức chi phí cho luật sư trong trường hợp này, thù lao chi trả cho 1 ngày làm việc của luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở. Viện Kiểm sát có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn truy tố và toà án nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn xét xử.

Theo điều tra, Tina Dương thuê ô tô BKS 51H-242.74 của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Gia Đình Việt (trụ sở tại TP.HCM) để sử dụng; thời hạn thuê đến ngày 24/4/2022, nhưng sau đó không trả lại xe.

Ôtô biển số 51H - 242.74 là tang vật vụ án.

Ngày 9/6, Tina Duong đã bán xe cho anh Bùi Đức Hiếu (28 tuổi, ngụ TP Hà Nội) với giá 450 triệu đồng và đã nhận trước 390 triệu đồng.

Sau đó, Vân Anh về TP HCM, lên mạng đặt làm giấy đăng ký xe giả rồi đem giao anh Hiếu, hẹn ngày 20/6 sẽ làm thủ tục sang tên và nhận nốt tiền. Đến hẹn, cô gái này không làm thủ tục. Khi trở về TP Phan Thiết, cô được công an mời lên làm việc và đã thừa nhận hành vi và đã nộp tổng số tiền 68 triệu đồng để khắc phục.

Công an TP Phan Thiết xác định Vân Anh không còn khả năng trả số tiền đã nhận là 390 triệu đồng cho anh Hiếu.

Tổng hợp

PTH (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/hot-girl-lua-ao-tina-duong-khong-can-luat-su-bao-chua-vi-sao-khong-uoc-toai-nguyen-a362666.html